Có thể nói, câu chuyện “con cha cháu ông” hay “bổ nhiệm người nhà” luôn là đề tài mang tính thời sự nóng hổi được dư luận quan tâm.
Nhiều “con ông cháu cha” đã làm xấu hình ảnh ông, cha mình
Phân tích sâu hơn về khởi nguồn định kiến của xã hội mỗi khi nhắc tới cụm từ “con ông cháu cha”, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, vốn dĩ cụm từ “con ông cháu cha” không mang ý nghĩa xấu nhưng lâu nay nó đang bị hiểu theo nghĩa không tích cực, bởi con cháu, người thân của những người có địa vị trong xã hội ỷ vào đó để làm những việc không đúng tôn ti trật tự, không đúng luân thường đạo lý, đạo đức xã hội. Với quyền lực, thần thế sẵn có, họ có thể ỷ vào đó để làm những việc mà người khác phải kiêng nể, kiềng ra.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội |
Ông Tiến cũng thừa nhận, thực tế xã hội thời gian qua, không ít người thuộc diện “con ông cháu cha” đã làm những việc có thể coi là thiếu chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội, thiếu văn hóa, văn minh, đi ngược lại với văn hóa dân tộc. Trái ngược với cách ứng xử khiêm nhường đáng ra phải có, họ thể hiện thái độ trịnh thượng, hạch sách, ăn trên ngồi chốc, đứng trên đầu người khác; lôi người thân ra làm bình phong, làm vũ khí để che đậy, lấp liếm cho những sai phạm, tội lỗi của mình.
Có những “ông con”, “ông cháu” mới lớn, ra ngoài xã hội bằng những chiếc siêu xe nhiều tỷ đồng, ở nhà biệt thự khang trang, hoành tráng như kiểu nghiễm nhiên được hưởng thụ những tài sản đó mà không mảy may nghĩ xem mình đã có những đóng góp tương xứng với mức hưởng thụ đó hay chưa. Chính cách suy nghĩ nông cạn, lối hành xử thiếu khiêm tốn của một số người đã làm xấu đi hình ảnh của ông, cha mình.
Ông Tiến thấy buồn khi trong thời chiến, đa phần con cháu cán bộ phải là những người gương mẫu, đi tới những nơi nóng bỏng nhất, thì trong thời bình, cũng đa phần “con ông cháu cha” được cất nhắc vào những vị trí được coi là “thiên thời địa lợi” nhất. Khát khao, mong muốn quyền lực thuộc về bản năng tự nhiên của mỗi người. Nhưng dường như bản năng tự nhiên đó đang bị can thiệp quá mức.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, cũng không nên “vơ đũa cả nắm”, bởi bản thân ông chứng kiến những người là “con ông cháu cha” nhưng họ sống thực sự mẫu mực, là tấm gương cho nhiều người học tập. Họ có cách ứng xử rất khiêm nhường, văn hóa với người trên, người dưới, ngoài xã hội. Họ phát huy được truyền thống gia đình, làm tốt công việc được xã hội giao phó, làm trọn bổn phận của người con, người cháu trong gia đình.
Ông Tiến cho rằng, trong công tác bổ nhiệm cán bộ, nếu như “con ông cháu cha” là người có đầy đủ phẩm chất, năng lực thì đó chính là những người cần được ưu tiên để tuyển chọn, đề bạt. Nhưng tiếc rằng, thời gian qua, đa phần việc tuyển chọn con cháu cán bộ không tương xứng về năng lực, thậm chí cả về đạo đức, phẩm chất. Do vậy, trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn nhận và tư duy cho đúng, phải có những quy định chặt chẽ và lượng hóa được thế nào là phẩm chất tốt, năng lực tốt, chứ không nói chung chung, có thế mới không để lọt những người xấu vào đội ngũ cán bộ, còn những người tốt được trọng dụng.
Đừng để xã hội giễu cợt bằng “5c” và “6 ệ”
Cùng với định kiến, ác cảm về cụm từ “con ông cháu cha”, dư luận đã quá quen tai với cụm từ “bổ nhiệm đúng quy trình” bấy lâu nay bởi nhiều “con cháu” kém chất lượng vẫn được đưa vào “quy trình” để trở thành những ông nọ, bà kia. Theo ông Lê Như Tiến, cái quy trình ấy không có lỗi, quy trình ấy có thể đúng thật nhưng lỗi nằm ở đầu vào của quy trình, có khi không chuẩn mực.
“Trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu người ta đưa miếng thịt ôi thiu vào làm giò, cũng tuân thủ đúng theo quy trình xay, giã, đun nấu… và sau đó ra được miếng giò, nhưng sẽ là miếng giò ôi thiu. Tôi dẫn chứng như vậy để thấy dù có làm đúng quy trình, nhưng quy trình ấy không thể quyết định chất lượng đầu ra nếu như chất lượng đầu vào không được coi trọng. Con người đã không có đủ cả phẩm chất lẫn năng lực thì đi qua quy trình ấy vẫn là một cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực. Dân ta có câu: “Đầu vào thì nát như tương/Đầu ra chất lượng tương đương đầu vào”. Theo tôi, không nên chỉ soi xét vào quy trình, mà cần đặc biệt chú trọng đến việc lựa chọn người để bồi dưỡng, đào tạo trở thành cán bộ”, ông Tiến nêu quan điểm.
Những câu chuyện về bổ nhiệm “con ông cháu cha” xảy ra thời gian qua, qua quá trình thanh tra, kiểm tra đều cho thấy việc bổ nhiệm đa phần đúng quy trình, nhưng những người được đưa vào vừa không đáp ứng được cả phẩm chất cũng như năng lực, chưa kể còn ngông nghênh, vênh vác, tự cho mình được hưởng những thành quả mà họ không phải bỏ ra chút sức lực nào.
Ông Tiến cho rằng, đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại công tác bổ nhiệm, cần phải đặt chất lượng con người, chất lượng cán bộ lên hàng đầu, đừng để xã hội phải giễu cợt bằng “5c” (con cháu các cụ cả) và “6 ệ” (tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ, đồ đệ, trí tuệ), như thế sẽ không bao giờ có được cán bộ tốt.
Các cơ quan liên quan đến tổ chức cán bộ có vai trò rất quan trọng trong kiểm soát đầu vào của công tác cán bộ, không chỉ lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, mà quá trình sử dụng chính là quá trình sàng lọc, lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Việc không coi trọng trí tuệ sẽ dẫn tới một đội ngũ cán bộ kiểu “5 ệ”, làm cán bộ theo kiểu chộp giật, chỉ nhìn thấy trước mắt mà không thấy lâu dài. Cũng không loại trừ vấn đề lợi ích nhóm, có những cán bộ trước khi nghỉ hưu ký hàng chục quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp vụ, phòng theo kiểu “chuyến tàu vét” trước khi “hạ cánh”. Cán bộ từ những “chuyến tàu vét” như vậy sẽ không đem lại hiệu quả hoạt động cho xã hội.