Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/12, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý và hỗ trợ thay thế xe thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông theo quy định tại Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, sau 5 năm thực hiện, một lượng lớn xe thuộc diện bị đình chỉ đã được thay thế. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng người dân sử dụng phương tiện thuộc diện bị cấm vẫn diễn ra khá phổ biến.
Xe mô tô chở hàng cồng kềnh trên quốc lộ 1A (cũ). Ảnh: Tú Linh
Xe mô tô chở hàng cồng kềnh trên quốc lộ 1A (cũ). Ảnh: Tú Linh

Người dân vẫn sử dụng phương tiện cấm 

Theo đánh giá của nhiều đại biểu, việc thay thế, đình chỉ những phương tiện không đảm bảo chất lượng là việc làm cần thiết nhằm mục tiêu kiềm chế và giảm thiểu TNGT. Tuy nhiên, do tính cơ động, giá thành rẻ nên đây vẫn là loại phương tiện được ưa chuộng ở nhiều vùng kinh tế còn khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Ba, đại diện Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, hiện đã có một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện nhằm thay thế các mẫu xe bị đình chỉ lưu hành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những phương tiện này chỉ mới đáp ứng được yêu cầu về mức độ an toàn còn sự phù hợp cũng như tính cơ động và tiện dụng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. 
"Qua 5 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT đã hỗ trợ mua mới hơn 6.000 xe tải thay thế cho xe công nông, xe tải quá niên hạn sử dụng tại 20 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, với số tiền hơn 54 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ này đã tháo gỡ khó khăn cho người dân, giúp họ có phương tiện bảo đảm an toàn góp phần quan trọng bảo đảm trật tự ATGT".

Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) 
Ở một khía cạnh khác, đại diện Sở GTVT Kon Tum cho rằng, việc tổ chức thi cấp giấy phép sử dụng các loại phương tiện thay thế cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bởi, rất khó để kêu gọi những người sử dụng phương tiện thay thế đi từ thôn, xã đến các trung tâm sát hạch lái xe ở các huyện, TP để thi lấy giấy phép. Bên cạnh đó, toàn bộ xe máy kéo nhỏ tải trọng dưới 1.000kg trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện được điều khiển bằng vô lăng. Tuy nhiên khi người dân đi thi cấp giấy phép lái xe, các cơ sở sát hạch lại không có  phương tiện cùng loại để thi.

Nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù các địa phương đã tích cực triển khai Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ nhưng công tác giám sát sau thực hiện của một số địa phương còn lỏng lẻo nên xuất hiện tình trạng người dân sau khi nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi phương tiện nhưng vẫn lén lút sử dụng các loại phương tiện đã bị cấm lưu hành.

154.220 chủ phương tiện được hỗ trợ 

Xung quanh những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Bộ đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ cũng như các bộ, ban ngành liên quan nhằm tìm giải pháp khắc phục. Cụ thể, Bộ GTVT đã đề nghị lực lượng chức năng các địa phương tổng kiểm tra, rà soát số lượng phương tiện thuộc diện bị đình chỉ còn hoạt động "chui" trên địa bàn; Quy định phạm vi, thời gian hoạt động đối với loại xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; Kiên quyết xử lý xe bị đình chỉ tham gia giao thông; Có chính sách hỗ trợ với người dân chuyển đổi phương tiện; Chỉ đạo các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy nghiên cứu sản xuất phương tiện thay thế hợp lý xe bị đình chỉ; Đề xuất cơ chế ưu đãi chuyển đổi phương tiện đối với đối tượng là các hộ gia đình thương binh đang sử dụng phương tiện ba bánh để hoạt động… Các địa phương phải hoàn thành việc kiểm tra, rà soát và gửi báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 1/4/2014.
Theo Bộ GTVT, hiện còn một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, xử lý, thống kê số lượng xe bị đình chỉ tham gia giao thông như Bắc Kạn, Sơn La, Tây Ninh, Ninh Thuận, TP Hà Nội. Trong đó tại Hà Nội, các xe trong diện bị cấm lưu hành vẫn hoạt động tại địa bàn huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Chương Mỹ.
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tính toán, bổ sung một số quy định mới đối với việc sử dụng xe mô tô ba bánh chở hàng, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; ra thông báo hướng dẫn cụ thể việc sử dụng giấy phép lái xe đối với xe bốn bánh chở hàng có gắn động cơ, quy định làn đường loại phương tiện này được hoạt động,... 

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ đã có 154.220 chủ phương tiện được hỗ trợ để thay thế các phương tiện không đảm bảo an toàn. Nhờ đó, số vụ TNGT liên quan đến các loại xe bị đình chỉ đã giảm hẳn. Thống kê thực tế của nhiều địa phương cũng cho thấy, đến nay chưa có trường hợp TNGT nghiêm trọng nào xảy ra có liên quan tới các loại phương tiện thay thế. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, để người dân thấy được những lợi ích và tự nguyện chấp hành việc thay thế phương tiện bị cấm thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các bộ, ban, ngành và chính quyền các địa phương.