Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn TP đã ghi nhận 1.016 trường hợp mắc sởi. Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Trì. Đối với sốt xuất huyết, đến nay đã có 204 trường hợp mắc bệnh và 228 trường hợp mắc tay chân miệng. Có 6 ổ dịch tay chân miệng tại Đống Đa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thạch Thất, trong đó ổ dịch nhiều bệnh nhân nhất tại xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức) với 8 bệnh nhân mắc.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, tính đến nay, các quận, huyện đều đã hoàn thành chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết đợt 1. Theo đó, toàn TP tổ chức được 375 chiến dịch vệ sinh môi trường tại cộng đồng, kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tại gần 100 trường học từ mầm non đến đại học, trên đại học.
Nhận định về tình hình dịch hiện nay, các chuyên gia y tế dự phòng cho rằng, các dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và có nhiều nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như cúm A(H7N9), MERS-CoV. Trong khi đó, một số bệnh có vaccine dự phòng như sởi, ho gà, bạch hầu vẫn có nguy cơ xảy ra các ổ dịch tại nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Các bệnh lây truyền từ động vật sang người như dại, liên cầu lợn vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ở người. Đáng lo ngại, dịch bệnh lưu hành địa phương như sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng do thời tiết, khí hậu thuận lợi cho virus gây bệnh sinh sản và phát triển.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa Hè đạt hiệu quả, ông Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, các quận, huyện cần thực hiện nghiêm việc rà soát, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt ít nhất 95%, nhất là đối với các bệnh như sởi, ho gà, bạch hầu, viêm não. Cũng theo ông Cảm, hiện Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, phương tiện, hóa chất, thuốc nhằm ứng phó kịp thời tình huống đối với dịch bệnh lớn, hoặc các tình huống nguy cơ về y tế cộng đồng.
Về phía Sở Y tế, đã yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn củng cố và nâng cao khả năng phản ứng nhanh để ứng phó với tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Sở Y tế khuyến cáo, người dân đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để phòng các dịch bệnh nguy hiểm như sởi, quai bị, rubella, viêm màng não. Ngoài ra, vệ sinh môi trường sạch sẽ, ngủ màn, thả cá vào bể nước… để chặn nguồn sinh sản của muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết.