KTĐT - Các doanh nghiệp bị thua lỗ có mặt ở nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau như phân phối hàng hoá, kinh doanh siêu thị vận tải, xây dựng, y tế, gas, phân bón, thực phẩm...
Bộ Tài chính vừa kết thúc đợt thanh tra tài chính tại 90 doanh nghiệp trên cả nước. Kết quả thật bất ngờ, đại đa số đơn vị có quy mô lớn lại có lợi nhuận âm từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bị thua lỗ có mặt ở nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau như phân phối hàng hoá, kinh doanh siêu thị vận tải, xây dựng, y tế, gas, phân bón, thực phẩm...
Tại TP HCM, kết quả kiểm tra 21 doanh nghiệp cho thấy, chỉ có 3 đơn vị là làm ăn có lãi, như Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, Công ty cổ phần đại lý liên hiệp Vận chuyển và liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM là có lãi. Số doanh nghiệp còn lại hầu hết đều lỗ. Trong số này có 3 doanh nghiệp lỗ từ 150-179 tỷ đồng. Đơn cử, một nhà phân phối bán lẻ nước ngoài với 8 hệ thống siêu thị có quy mô vốn 120 triệu USD có số lỗ năm 2008 lên tới 190 tỷ đồng. Năm 2009, số lỗ giảm xuống còn 154 tỷ đồng.
Kết quả kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương cũng cho thấy trong số 25 doanh nghiệp thanh tra thì tất cả đều thua lỗ. Trong đó, số lỗ lớn nhất thuộc về các doanh nghiệp FDI. Có đơn vị lỗ trong 3 năm liên tiếp (2007-2009) lên tới gần 600 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, kiểm tra 19 doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, chỉ có một doanh nghiệp có lãi, đó là Công ty TNHH Thương mại quốc tế và dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long - một doanh nghiệp FDI. Một số tỉnh, thành phố khác có số doanh nghiệp được kiểm tra rất ít như Cần Thơ (2 doanh nghiệp), Đà Nẵng (2 doanh nghiệp), Bình Thuận (một doanh nghiệp)... nhưng đều được xác định thua lỗ, với số lỗ thường là 2-3 năm liên tiếp.
Một số doanh nghiệp trong nước thua lỗ được giải thích là do tình hình kinh tế khó khăn, lãi suất cho vay quá cao. Tuy nhiên, tình trạng thua lỗ tại các doanh nghiệp FDI lại đặt ra mối nghi ngờ.
Cuộc kiểm tra quy mô lớn này được Bộ Tài chính tiến hành sau khi có nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc chuyện nhiều doanh nghiệp "lỗ giả lãi thật". Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận từng phát hiện nhiều doanh FDI khai lỗ không đúng để chuyển lãi về nước cho công ty mẹ.
Trao đổi với PV chiều nay, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết kết quả thanh tra 90 doanh nghiệp này vừa kết thúc. Do vậy, cơ quan này chưa có bản đánh giá thực trạng và đưa ra bình luận về thực hư số lỗ. "Chúng tôi đang xem xét từng con số của mỗi doanh nghiệp và sẽ thông báo quan điểm của mình một cách công khai", vị lãnh đạo này cho biết.
Năm 2009, cả nước có 1.358 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI hoạt động. Tuy nhiên có tới 56% trong số này báo cáo làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp này đều có công ty mẹ tại nước ngoài và hàng sản xuất ra 99% là xuất khẩu sang nước thứ ba.