Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đó là nhận định được nhiều cán bộ lao động việc làm đưa ra tại buổi tọa đàm "Cơ hội việc làm cho người khuyết tật", do Thành đoàn Hà Nội phối hợp cùng Hội Thanh niên khuyết tật TP Hà Nội tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Ngày hội việc làm hòa nhập cho người khuyết tật lần thứ 2, hưởng ứng Ngày Khuyết tật Việt Nam 18/4, đồng thời nhằm mục đích thúc đẩy sự quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, Việt Nam hiện có khoảng 5,3 - 5,5 triệu người khuyết tật, trong đó hơn 2,5 triệu người có khả năng lao động bình thường. 37% người khuyết tật thuộc nhóm hộ nghèo và phần lớn hiện sinh sống ở khu vực nông thôn.

Nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ - Ảnh 1

Du khách xem hàng tại Ngày hội việc làm hòa nhập thanh niên khuyết tật.

Trên thực tế, người khuyết tật có nhu cầu rất lớn về việc làm để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, muốn có việc làm thì người khuyết tật nhất định phải được đào tạo nghề, và quan trọng hơn là nhận được những sự trợ giúp phù hợp.

Vũ Thị Trang, bị liệt tay trái, hiện là sinh viên năm thứ 4 ĐH Công nghiệp Hà Nội tâm sự, cách đây không lâu trường tổ chức ngày hội việc làm cho sinh viên. Tuy nhiên, khi tôi tới đăng ký việc làm tại các gian hàng thì tất thảy các DN đều nói gửi hồ sơ để… xem xét thêm, hoặc lắc đầu từ chối chỉ sau vài ba câu hỏi. Anh Nguyễn Tuấn Linh, bị khiếm thính, đã tốt nghiệp trường CĐ Sư phạm Đồng Nai bộc bạch, dường như vẫn có một sự "phân biệt vô hình" đối với người khuyết tật khi họ không có được địa vị cũng như công việc thực sự phù hợp.

Thực trạng này được ông Nguyễn Lê Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Lao động việc làm (Bộ LĐTB&XH) thừa nhận, mặc dù hiện nay hầu như địa phương nào cũng có các trung tâm hỗ trợ đào tạo nghề và tư vấn việc làm cho thanh niên khuyết tật nhưng vấn đề mấu chốt lại nằm ở "đầu ra". Số DN tiếp nhận lao động khuyết tật còn rất hạn chế. Nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Minh, là do các DN chưa tin tưởng, cũng như hiểu biết đầy đủ được ý nghĩa của việc tuyển dụng lao động bị khuyết tật. Một phần cũng bởi họ chưa được thông tin đầy đủ bởi bên cạnh giá trị nhân văn thể hiện qua trách nhiệm xã hội, DN còn có cơ hội nâng tầm thương hiệu và hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng,… khi sử dụng lao động khuyết tật. Ông Minh thông tin thêm, Nhà nước đã có cơ chế khuyến khích DN thu hút từ 1 - 3% lao động khuyết tật vào làm việc, nhưng khi thực hiện chưa chặt chẽ, ít mang tính bắt buộc, việc xử phạt còn hình thức. Điều này khiến nhiều DN thờ ơ với lao động khuyết tật.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh việc trông chờ vào những hỗ trợ từ phía các đơn vị sự nghiệp, các bạn thanh niên khuyết tật cũng cần cố gắng tìm tòi, học hỏi để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng; tích cực quan tâm theo dõi, "rải" hồ sơ đến những đơn vị có nhu cầu công việc phù hợp với mình; cố gắng chuẩn bị đầy đủ các yếu tố bổ trợ cần thiết để khi cơ hội đến có thể kịp thời nắm bắt.