Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều giải pháp bảo vệ các ngành sản xuất trong nước

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại (PVTM) nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng của Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.

Ứng phó hiệu quả

Thời điểm này, Bộ Công Thương đang tích cực trợ giúp các doanh nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên ứng phó hiệu quả với vụ việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh minh họa
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh minh họa

Để xử lý hiệu quả vụ việc, Bộ Công Thương đã đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Thái Nguyên phối hợp, cung cấp thông tin. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu pin năng lượng mặt trời tại địa bàn tỉnh cần theo dõi sát diễn biến của vụ việc, liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại để được hỗ trợ kịp thời.

Theo Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn, các biện pháp PVTM là công cụ để đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước nhưng nếu không xử lý tốt các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, mức thuế PVTM áp dụng với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị đẩy lên cao quá mức, làm giảm thị phần và thậm chí làm mất thị trường.

Vì vậy, trong công tác PVTM có một bộ phận quan trọng đó là hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài thông qua các hoạt động tư vấn hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình thủ tục điều tra, cách thức cung cấp thông tin để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra và theo dõi sát quá trình điều tra để đảm bảo nước nhập khẩu tuân thủ đúng các yêu cầu về điều tra PVTM trong các cam kết quốc tế, từ đó bảo vệ được lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Đáng ghi nhận, công tác cảnh báo sớm đã đem lại một số kết quả tích cực như: Việt Nam chứng minh doanh nghiệp xuất khẩu không có các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM đang áp dụng với nước thứ ba trong vụ việc Mỹ điều tra chống lẩn tránh với thép dây không gỉ dạng tròn; Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá với amoni nitrat; các doanh nghiệp xuất khẩu pin mặt trời sang Mỹ được miễn thuế PVTM tạm thời hay mức thuế chống bán phá giá chính thức do Mexico áp dụng với thép mạ giảm so với sơ bộ. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp nên cạnh tranh bằng chất lượng

Giới chuyên gia nhận định, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam sẽ tiếp tục có tác động tích cực đến thương mại, đầu tư, xuất khẩu. Đây là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này. Tuy nhiên, với độ mở của nền kinh tế, ngày càng hội nhập sâu và tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng trên thế giới, Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới 2025.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá. Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp Việt Nam cần kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá. Ảnh minh họa

Trước các cơ hội và thách thức đan xen, Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa, nâng cao năng lực PVTM, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế; chủ động bảo vệ lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân.

Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Hội nhập WTO – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang khuyến nghị: doanh nghiệp cần chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp. Cùng với đó, doanh nghiệp tích cực triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá khi bị điều tra.

Đề cập về các giải pháp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Bộ Công Thương tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án lớn về PVTM, gồm: Đề án 316 “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”; Đề án 824 “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; Đề án 1659 “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới”.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, cá nhân liên quan về pháp luật PVTM, các vụ việc điều tra PVTM thông qua tổ chức toạ đàm, hội thảo, đào tạo bồi dưỡng…

 

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, củng cố thể chế về PVTM nhằm triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chủ động hoàn thiện hệ thống PVTM để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Tích hợp công cụ PVTM và các kế hoạch, chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân