Định hình các vùng sản xuất tập trung
Thanh Oai có 8.230ha đất nông nghiệp, đến nay đã thực hiện DĐĐT được trên 7.000ha. Trên cơ sở đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Vụ xuân 2014, huyện phối hợp với Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội triển khai chương trình lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 500ha, tập trung tại các xã Tam Hưng, Bình Minh, Mỹ Hưng, Đỗ Động. Để tạo đà cho chương trình, huyện đã hỗ trợ 1,3 tỷ đồng mua giống lúa chất lượng cao và kinh phí mua máy cấy, máy làm đất cho một số xã.
Ông Lê Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả, rau an toàn, thủy sản, chăn nuôi tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử, vùng trồng cam Canh ở xã Cao Viên có diện tích 29ha với 45 hộ tham gia sản xuất, trong đó có một số hộ đạt thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha. Về chăn nuôi, mô hình trang trại của HTX Hoàng Long (xã Tân Ước) nuôi 400 con lợn nái, 3.600 lợn thịt, cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm...
Người dân chăm sóc vườn cam Canh tại xã Kim An, huyện Thanh Oai. Ảnh: Quang Thiện
|
Trên cơ sở hiệu quả của những mô hình đã được khẳng định, từ đầu năm 2014, Thanh Oai tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau DĐĐT. UBND huyện đã thành lập tổ thẩm định để hướng dẫn, kiểm tra các dự án chuyển đổi của các xã, thị trấn đảm bảo đúng quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có 6 xã gồm Bích Hòa, Phương Trung, Đỗ Động, Bình Minh, Liên Châu và Kim An nộp hồ sơ xin huyện chủ trương lập Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong tháng 6/2014.
Vẫn còn vướng mắc
Hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã thấy rõ, song để đẩy mạnh chương trình này không phải chuyện dễ dàng với các địa phương tại Thanh Oai. Đơn cử, xã Liên Châu hiện có gần 100 mô hình chuyển đổi từ cấy lúa ở vùng trũng kém hiệu quả sang mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Việt - Chủ tịch UBND xã Liên Châu, do chưa có đề án mẫu phân định diện tích nuôi cá, trồng cây, chăn nuôi trong mô hình như thế nào cho hiệu quả nên người dân vẫn làm tự phát. Thêm vào đó, quy định việc làm nhà bảo vệ trong mô hình cũng chưa cụ thể về quy mô, loại vật liệu, dẫn tới tình trạng thiếu đồng nhất giữa các hộ chuyển đổi và gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền địa phương.
DĐĐT là điều kiện quan trọng để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thế nhưng, trên địa bàn huyện Thanh Oai hiện vẫn còn một số địa phương chưa hoàn thành DĐĐT do những bất cập trong quy trình triển khai. Trong đó, riêng xã Cao Viên còn tới 128,6ha ở 4 thôn Đống, Vỹ, Trung và Đàn Viên vẫn còn dang dở. Theo bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, 2 xã Cao Viên và Kim An của huyện Thanh Oai đã được quy hoạch để phát triển vùng trồng cây ăn quả an toàn (chủ yếu là cam Canh), gắn với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, vướng mắc trong DĐĐT đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ triển khai mô hình.Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi sản xuất ở Thanh Oai, huyện đã kiến nghị TP tiếp tục hỗ trợ kinh phí đào đắp giao thông, thuỷ lợi nội đồng, hoàn thiện hạ tầng các vùng sản xuất. Về phía địa phương, lãnh đạo huyện cũng khẳng định sẽ chỉ đạo tích cực khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong DĐĐT, hoàn thành dứt điểm công tác này trong năm 2014.