Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều kiến nghị về cải thiện môi trường kinh doanh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong buổi làm việc của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với Hiệp hội DN TP Hà Nội (HBA) nhằm đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam diễn ra chiều 8/4, nhiều vấn đề nóng về cải cách hành chính, thuế, hải quan... đã được đại diện các DN đề cập.

Về thể chế và môi trường kinh doanh, Luật Đầu tư mới ra đời và sắp chính thức có hiệu lực có nhiều thông thoáng nhưng các DN hiện vẫn vướng rất nhiều “giấy phép con” ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, mới đây, Tổng cục Thuế yêu cầu chứng từ thanh toán phải ghi rõ địa chỉ ngân hàng người chuyển tiền và người nhận...

Ông Hoàng Long Quang - Phó Chủ tịch HBA cho rằng, luật ra đời nhưng tính hiệu lực vào thực tiễn chưa tốt. Môi trường đầu tư kinh doanh thể hiện chất lượng đầu tư khi tạo ra các sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế, nhưng đầu tư của các DN Việt Nam vẫn ở mức gia công, còn đầu tư cho công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ chưa có… Nguyên nhân bởi thiếu chính sách đòn bẩy và thủ tục còn rườm rà nên chưa thu hút nhân tài cho khoa học công nghệ chất lượng cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của các DN.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm Phí Ngọc Trịnh cho rằng, hiện luật đang đứng về phía người lao động mà chưa chú trọng đến người sử dụng lao động, vì vậy kiến nghị khi xây dựng luật cũng phải hài hòa lợi ích hai bên.

Đa số các đại biểu cũng cho rằng, có quá nhiều đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, bắt lỗi DN nhưng khi được yêu cầu hướng dẫn cách khắc phục để tạo điều kiện phát triển thì rất khó, có những lỗi chờ đợi hướng dẫn sửa 3 năm không xong…

Trong lĩnh vực bán lẻ, theo ông Trương Minh Thanh - Phó Tổng Giám đốc Hapro, khung pháp lý cho hoạt động này khá đầy đủ khi hội nhập nhưng đi vào cuộc sống vẫn còn chung chung xa rời thực tế. Các nhận thức của cơ quan quản lý, nhất là các chính quyền địa phương vẫn coi bán lẻ chỉ giải quyết cuộc sống hàng ngày là bất cập. Đồng thời, các cấp quản lý địa phương ít quan tâm đến xây dựng và công khai quy hoạch hệ thống bán lẻ nên khó thúc đẩy mạng lưới này, việc xử lý hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại còn lúng túng nên người tiêu dùng dần mất niềm tin...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc ghi nhận những ý kiến của các DN, đồng thời cho biết sẽ đưa những ý kiến này ra các diễn đàn, kiến nghị với Quốc hội để có những điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.