Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều “lỗ hổng” bị dân buôn lậu lợi dụng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xe đạp điện nhập lậu, nhái nhãn mác không hóa đơn, chứng từ bán tràn lan trên thị trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách.

Nhiều “lỗ hổng” bị dân buôn lậu lợi dụng - Ảnh 1
 Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có văn bản yêu cầu các chi cục xác minh và kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm đề xuất ngay những giải pháp ngăn chặn. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Theo phản ánh, thị trường kinh doanh xe đạp điện của Hà Nội hiện khá "hỗn loạn", hàng nhái giả lẫn lộn với hàng thật. Vậy, ông có ý kiến như thế nào về thực trạng này?

- Kiểm tra việc kinh doanh xe đạp điện trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua cho thấy, có hơn 60% số cơ sở kinh doanh xe đạp điện trên địa bàn TP vi phạm ở nhiều mức độ khác nhau, phần lớn là do một số doanh nghiệp (DN) lắp ráp bằng linh kiện trôi nổi, kém chất lượng từ thị trường Trung Quốc, thậm chí có không ít sản phẩm nhập lậu về Việt Nam, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác, kiểu dáng của các hãng sản xuất xe đạp điện nổi tiếng.
Theo báo cáo của Chi cục QLTT Hà Nội, từ cuối năm 2013 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 18 vụ sản xuất, kinh doanh xe đạp điện trong đó có 13 vụ vi phạm về hàng lậu, 5 vụ vi phạm về giả mạo nhãn hiệu Honda; tịch thu 57 chiếc xe đạp điện nhập lậu. Điều đáng nói, cơ quan chức năng đã phát hiện một số DN ghi trên hóa đơn bán xe đạp điện cho đại lý chỉ bằng 1/3 giá bán trên thị trường để trốn thuế.
Không chỉ có vậy, khi đối chiếu với chứng từ gốc, lực lượng QLTT Hà Nội còn phát hiện giá nhập khai báo hải quan chỉ từ 2 - 3 triệu đồng/chiếc, nhưng bán ra lên tới 10 - 12 triệu đồng/chiếc, có thể được coi là hành vi trốn thuế của DN.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT có gặp khó khăn gì không, thưa ông ?

- Nhằm ngăn chặn xe đạp điện nhập lậu, xe nhái nhãn mác cũng như tạo điều kiện cho cơ quan chức năng quản lý các cơ sở sản xuất xe đạp điện, Bộ GTVT đã có Thông tư 41/2013/TT-BGTVT, trong đó yêu cầu từ ngày 1/1/2014, xe đạp điện khi đưa ra thị trường tiêu thụ buộc phải kiểm tra về mẫu mã,  kiểu dáng và được đăng ký, kiểm tra chất lượng; Với xe nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật, dán tem NK.

Tuy nhiên,  thực tế hoạt động kiểm tra cho thấy, mặc dù Thông tư này đã có hiệu lực từ 1/1/2014, nhưng hiện trên thị trường đang tồn đọng một lượng lớn xe đạp điện được NK hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước. Những chiếc xe này vốn không phải kiểm tra mẫu, không phải dán tem NK cũng như kiểm định chất lượng trước khi Thông tư 41 có hiệu lực. Như vậy, việc kiểm định chất lượng, mẫu mã sẽ được cơ quan nào đứng ra thẩm định, cấp phép? Nếu cho phép loại xe này không phải dán tem khi tiêu thụ thì đây là "lỗ hổng" cho dân buôn lậu lợi dụng, bởi người bán chỉ cần khai báo đó là xe nhập về từ trước 1/1/2014.

Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, sản xuất xe đạp điện nhái nhãn mác, thời gian tới, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ có biện pháp như thế nào, thưa ông?

- Theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2014 sẽ tập trung quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, NK xe đạp điện, xe máy điện. Thực hiện chỉ đạo này, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra các tổ chức, cá nhân NK, sản xuất, kinh doanh xe đạp điện, đặc biệt sẽ tập trung kiểm tra các DN sản xuất, NK xe đạp điện có số lượng lớn. Mục đích của việc kiểm tra này không chỉ nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, mà còn thiết lập trật tự, kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh xe đạp điện, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!