Các loại thực phẩm chuyên dụng cho ngày Tết đã được bày bán khắp các cửa hàng và có xu hướng tăng giá trước nhu cầu sắm Tết tăng mạnh.
Khảo sát tại chợ đầu mối Đồng Xuân (Hà Nội), một số tiểu thương cho hay giá nhập của các mặt hàng thực phẩm khô đã tăng lên từ tuần trước.
Chủ cửa hàng đồ khô Bình Hiền cho hay “Thời tiết năm nay nhiều biến động nên nhiều mặt hàng khô bị khan hiếm nguồn cung. Muốn tích trữ cũng không hề dễ”.
Hiện giá măng khô tăng mạnh, từ 10-30.000 tùy loại, như măng lá tăng từ 180-210.000 đồng/kg; măng vầu búp được bán với giá 220.000/kg, tăng 20.000 đồng/kg; măng bướm có giá 250-260.000 đồng/kg…
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Các loại nấm hương và mộc nhĩ giá cũng nhỉnh hơn so với tuần trước. Cụ thể, nấm hương Sapa tăng giá bán từ 350-380.000 đồng/kg, nấm hương rừng có giá 300.000 đồng/kg; mộc nhĩ đen được bán với giá 200.000/kg, tăng hơn 10.000 đồng…
Đối với các loại gia vị đều có mức tăng từ 5-10.000 đồng/kg. Như hồ tiêu nguyên hạt có giá 200.000 đồng/kg, hồ tiêu xay có giá 150.000 đồng/kg; hành khô được bán với giá 100.000 đồng/kg; lạc nhân 50.000 đồng/kg; lạp xườn 75.000 đồng/gói; hoa hồi loại 1 có giá 60.000 đồng/kg, hoa hồi loại đặc biệt có giá 100.000 đồng/kg, thảo quả có giá bán 160.000 đồng/kg…
Còn các loại thủy sản khô cũng đua nhau nhích giá. Giá tôm khô loại 1 đang được các tiểu thương rao ở mức 850.000 đồng/kg, các loại tôm nhỏ hơn dao động quanh mức 450.000-700.000 đồng/kg. So với ngày thường, giá tôm khô đã tăng thêm 30.000-50.000 đồng/kg tùy loại.
Tương tự, các loại thủy sản khô, nhiều mặt hàng khô, mứt tết đã nhích giá thêm 5.000-30.000 đồng/kg tùy loại. Các loại hạt điều, hạt sen, hạt dẻ có giá từ 300.000-350.000 đồng/kg. Các loại hạt dưa, hạt bí, hướng dương, mứt bí, mứt dừa có giá bán từ 75.000-150.000 đồng/kg, tăng 5-7% so với trước đây.
Trước xu thế tăng giá khá nhanh này, nhiều bà nội trợ đã sốt sắng đi mua thực phẩm khô để dùng cho Tết, tránh “giá cắt cổ” trong những ngày cận kề.
Tuy giá cả nhiều mặt hàng năm nay đã có sự xê dịch tăng lên đáng kể, người tiêu dùng cần tham khảo giá trước khi mua, tránh mua phải giá quá đắt.
Với kinh nghiệm mua sắm nhiều năm, bác Hoa (Thành Công, Hà Nội), thường xuyên mua tại chợ Thành Công, cho biết, hằng năm mua ở thời điểm này vừa chọn được hàng ngon, giá lại rẻ, nhưng năm nay, mua giờ đã đắt thế này, sợ giáp Tết còn đắt hơn nữa.
Không chỉ người mua than vãn, nhiều tiểu thương cũng điêu đứng trước giá cả cứ tăng lên vùn vụt, vì giá tăng đồng nghĩa với số vốn bỏ ra cũng lớn hơn, trong thời điểm kinh tế khó khăn chung nên không dễ "bắt mạch" xu hướng thị trường.
Mặc dù thời gian qua, nhiều chính sách bình ổn giá tiêu dùng các thực phẩm thiết yếu vào dịp cuối năm đã được triển khai, song tình trạng tăng giá vẫn xảy ra phổ biến và người tiêu dùng luôn được giải thích nguyên nhân là "tăng do xu hướng chung của thị trường!".