Nhiều mẫu sơn có hàm lượng chì cao vẫn đang được tiêu thụ

An Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường về “Khảo sát nồng độ chì trong sơn và thực trạng phơi nhiễm chì ở thợ sơn và trẻ em mầm non” thực hiện từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2021 cho thấy, những loại sơn có hàm lượng chì vượt rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép vẫn đang được tiêu thụ với số lượng lớn tại Việt Nam.

Hiện Việt Nam, việc kiểm soát hàm lượng chì trong hóa chất nói chung và trong sơn nói riêng đang từng bước chặt chẽ hơn. Ngày 21/12/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 51/2020/TT-BCT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn. Theo đó, hàm lượng chì trong sơn được giới hạn ở mức ≤ 600 ppm trong thời hạn 5 năm đầu kể từ ngày thông tư có hiệu lực và ≤ 90 ppm sau 5 năm kể từ ngày thông tư có hiệu lực. Đối tượng áp dụng Quy chuẩn này là các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các loại sơn theo quy định, các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo Giám đốc điều hành CGFED Nguyễn Kim Thúy , nghiên cứu của Trung tâm năm 2021 đã đưa ra những chỉ báo để theo dõi hàm lượng chì trong các loại sơn đang lưu hành trên thị trường hiện nay. So với 4 năm trước, các mẫu sơn chứa chì đã giảm đáng kể, và nếu có thì hàm lượng chì cũng giảm cực kỳ thấp. Điều này chỉ ra, ngành công nghiệp sơn của Việt Nam đã nỗ lực cải thiện chất lượng sơn và sẵn sàng tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn.

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý sơn chì, theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có văn bản hướng dẫn thực hiện thông tư, trong đó, làm rõ các mã sơn thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật về hàm lượng chì; có quy định ghi nhãn đầy đủ thông tin về hàm lượng chì cũng như các kim loại nặng khác trong sơn và những cảnh báo về nguy cơ nguồn phơi nhiễm chì cho trẻ em.

Đồng thời, cần có chính sách quản lý chặt chẽ từ đầu đến cuối xuyên suốt chuỗi cung ứng. Trước tiên là các đơn vị cung ứng nguyên liệu đầu vào, kế đến là các DN sản xuất, đơn vị chịu trách nhiệm gia công và cuối cùng là người sử dụng, tác động của việc sử dụng đến môi trường. Tăng cường kiểm soát chất lượng sơn đảm bảo hàm lượng chì trong sơn nằm trong tiêu chuẩn cho phép…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần