“Nhiều người đến cơ quan chưa chắc làm việc hiệu quả bằng ở nhà”

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thảo luận về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (tổ Hà Nội) đề xuất mạnh dạn nghiên cứu cho phép TP Hồ Chí Minh thí điểm cho công chức ở một số ngành, lĩnh vực, vị trí... được phép làm tại nhà, không bắt buộc đến cơ quan.

Trong phiên họp ngày 14/11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Dự thảo Nghị quyết nêu hàng loạt cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.
 Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ đại biểu TP Hà Nội
Tạo đột phá lớn cho nền kinh tế đất nước

Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết trên. Tại tổ đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, gần đây tốc độ phát triển của TP Hồ Chí Minh chậm lại, nếu không có chính sách phù hợp, đặc thù, TP Hồ Chí Minh sẽ mất đi vai trò đầu tàu trong một tương lai gần và không còn sức lan tỏa, tác động đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.

Vấn đề đặt ra, nếu Quốc hội có nghị quyết riêng về cơ chế chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh có ảnh hưởng đến cân đối chung của cả nước hay không? Có tác động tiêu cực đến địa phương khác không?

“Nếu xem xét một cách hài hòa trong tổng thể quốc gia, tôi cho rằng, điều này không ảnh hưởng đáng kể đến cân đối chung và địa phương khác, mà còn tạo nên sự tác động hỗ trợ cho phát triển đối với các địa phương khác”, đại biểu Nguyễn Thị Lan phân tích.

Theo đại biểu, các cơ chế đặc thù về quản lý đất đai, ngân sách, đầu tư... đều được thực hiện theo quy trình và dưới sự giám sát chặt chẽ, các nội dung cụ thể thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Về vấn đề quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, một số khoản thu cụ thể do TP Hồ Chí Minh đề xuất, xét tổng thể không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch tài chính, ngân sách 5 năm quốc gia cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội phê chuẩn... “Vì những lý dó trên, vì sự phát triển của cả nước và tạo thêm đột phá lớn cho nền kinh tế đất nước, theo tôi cần thông qua nghị quyết này sớm”, đại biểu bày tỏ.
 Đại biểu Nguyễn Thị Lan thảo luận
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng cần thiết phải ban hành chính sách, cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh. Theo đại biểu, TP Hồ Chí Minh có nền tảng là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, năng động, sáng tạo, đổi mới.
Việc tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh có chính sách đột phá, chủ động, phân cấp, phân quyền... để TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh hơn nữa, không những phát triển cho TP mà có ý nghĩa đóng góp ngân sách cho cả nước. Tuy nhiên, cần thống nhất các cơ chế chính sách thống nhất để phù hợp với hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Đề xuất TP Hồ Chí Minh thí điểm về tinh giản bộ máy hành chính 

Đồng tình với chủ tương tạo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, nhưng đại biểu Lê Quân đề nghị các quyền lợi đặc thù phải nằm trong khôn khổ để đảm bảo tính hiệu quả.

Đại biểu phân tích: “Về vấn đề tăng lương, đúng, nhưng bảo đảm tỷ lệ chi thường xuyên giảm. Tăng thu nhập cho cán bộ nhưng tỷ lệ chi thường xuyên phải trong tốc độ giảm, và giảm nhanh hơn tốc độ bình quân của cả nước”.

Về công tác cán bộ, đại biểu đề nghị bổ sung giao cho TP Hồ Chí Minh thí điểm về tinh giản bộ máy hành chính và đánh giá, đào tạo cán bộ, trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao chất lượng đội ngũ; bổ sung cơ chế tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; thí điểm cơ chế đổi mới phát triển sáng tạo ứng dụng khoa học công nghệ..

Góp ý về chính sách quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề nghị không tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành bởi Thành phố hướng tới môi trường đầu tư có sức thu hút hơn, do vậy, không nên tăng thuế.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định một số ngành nghề hạn chế kinh doanh, ví dụ ngành cần lao động quá lớn, công nghệ lạc hậu. Đồng thời cho Thành phố được tuyển dụng cán bộ theo hướng thu hút nhân lực chất lượng cao.
 Đại biểu Ngọ Duy Hiểu phát biểu thảo luận
Đại biểu phân tích, trong thực tiễn có những người giỏi về công nghệ thông tin nhưng nếu thi vào cơ quan hành hành chính với nhiều câu hỏi lý luận, lý thuyết... các em thi chưa chắc đã đỗ, nên không dám thi. Do vậy, TP Hồ Chí Minh cần có cơ chế cho phép thi tuyển cán bộ giỏi từ doanh nghiệp, tổ chức quốc tế về làm, theo hình thức thi đơn giản hơn, không cần theo cách thi công chức hiện tại. Thậm chí, với những nhân lực giỏi có thể chỉ cần hình thức kiểm tra đơn giản có thể nhận về làm việc cho Thành phố.

Đại biểu đề xuất mạnh dạn nghiên cứu cho phép TP Hồ Chí Minh thí điểm cho công chức ở một số ngành, lĩnh vực, vị trí... được phép làm tại nhà, không bắt buộc đến cơ quan.

Bởi nhiều cán bộ ở một số lĩnh vực có thể đến cơ quan 1 – 2 lần một tuần, không cần ngày nào cũng đến. Nhiều cán bộ được giao làm đề án hoặc công việc có thể ở nhà sau đó nhận kết quả công việc, không cần đến cơ quan, đó là xu hướng của thời đại công nghệ thông tin. Thực tế nhiều người đến cơ quan chưa chắc làm việc hiệu quả bằng ở nhà.