Không chỉ các BV lớn, mà ngay cả các trung tâm y tế địa phương cũng đông người dân đến tiêm và truyền dịch vì viêm đường hô hấp và sốt.
Gia tăng bệnh nhân
Hai tuần nay, số lượng bệnh nhân đến các BV Nhi T.Ư, Bạch Mai, Xanh Pôn, E… khám tăng đột biến. Chưa kể số bệnh nhân đến khám dịch vụ ngoài giờ, tính sơ sơ lượng người đến khám mỗi ngày vào khoảng 2.500 người, có ngày lên đến 3.000 lượt bệnh nhân. Theo đánh giá của khoa Khám bệnh, BV Nhi T.Ư, lượng bệnh nhân tăng 30% so với bình thường. Khoa Nhi của BV Bạch Mai và BV Xanh Pôn cũng trong tình trạng tương tự… Phần nhiều trong số đó là người già, nhiều nhất là trẻ nhỏ. Các bệnh trạng thường gặp là ho, sốt, viêm mũi, viêm phế quản, viêm amidan…, một số có biểu hiện của bệnh tiêu chảy do virus, một số có các biểu hiện của dị ứng, viêm da...
Tuy nhiên, theo nhận định của các bác sĩ, tỷ lệ người nhiễm các bệnh về đường hô hấp trên (viêm amidan, mũi, họng…) chiếm nhiều nhất. Bệnh này nếu không chữa trị dứt điểm, rất có khả năng chuyển thành viêm hô hấp dưới (viêm phế quản, phổi…), đặc biệt là dạng viêm phế quản, phổi cấp tính. Điều đáng nói là rất nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng bệnh nặng, đã tự điều trị bằng kháng sinh ở nhà mà không khỏi. Như phân tích của các bác sĩ, đa số người bệnh, nhất là trẻ nhỏ, trong thời điểm chuyển mùa này, bị viêm đường hô hấp trên thể nhẹ. Nếu được chăm sóc đúng cách, bệnh chỉ kéo dài vài ba ngày là tự khỏi, không cần dùng đến kháng sinh. Tuy nhiên, rất nhiều người khi thấy có biểu hiện sổ mũi, hắt hơi, ho, đau họng, ngây ngấy sốt… lập tức mua kháng sinh tự điều trị. Việc này vô tình làm tăng tình trạng kháng kháng sinh và bệnh nhẹ trở nên nặng hơn. Những ngày qua, đã có không ít trường hợp viêm đường hô hấp trên khi đến BV khám, bệnh đã chuyển thành viêm phế quản sau 7 – 10 ngày tự điều trị bằng kháng sinh ở nhà.
Không chỉ các BV lớn, mà ngay cả các trung tâm y tế địa phương thời gian này cũng đông bệnh nhân đến khám, tiêm và truyền dịch vì ho và sốt. Như Trung tâm y tế xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), các giường bệnh gần như kín người nằm truyền dịch vì sốt, trẻ đến tiêm cũng đông vì viêm họng và ho. Nhiều lớp học bậc tiểu học luôn trong tình trạng có học sinh xin nghỉ học vì bị ốm, thậm chí có lớp học lớp 1 có ngày có tới 6 cháu nghỉ học.
Vệ sinh mũi họng, tăng cường dinh dưỡng
Các bác sĩ cho biết, thời tiết chuyển mùa là thời gian bất lợi cho sức khỏe và tác động nhiều đến bệnh lý, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm do virus. Vì khi thời tiết nóng lạnh bất thường (tương ứng miền Bắc là mùa Đông Xuân, Xuân Hè, Thu Đông, miền Nam là giữa mùa mưa và mùa khô), là giai đoạn các mầm bệnh, virus phát triển nhanh, tạo thành các nguyên nhân bệnh cũng nhanh. Trong khi đó, sự thích nghi của cơ thể, nhất là trẻ em không theo kịp, khiến sức đề kháng giảm, rất dễ nhiễm bệnh. “Nói theo Đông Y là khi phong hàn thấp thứ, rất dễ gây các bệnh như cúm, thủy đậu, phát ban, hô hấp trên, tay chân miệng…” – bác sĩ Hoàng Khánh Toàn – Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, BV T.Ư Quân đội 108 khẳng định.
Do đó, theo lời khuyên của bác sĩ Toàn, để phòng tránh các bệnh dễ gặp trong thời tiết này, người dân nên tự thực hiện một số biện pháp như mặc đủ ấm, cởi bớt áo khi nóng, với trẻ nhỏ nên chú ý lau mồ hôi. Ở trong nhà nên chú ý giữ không khí ổn định, các gia đình có điều kiện có thể dùng điều hòa nhiệt độ giữ ở mức cân bằng về nhiệt độ cũng như độ ẩm; Ra đường cần đeo khẩu trang, che chắn gió. Bác sĩ Toàn đặc biệt nhấn mạnh đến chế độ dinh dưỡng: “Mọi người nên ăn uống đủ vitamin, lấy thức ăn, đồ uống làm thuốc phòng bệnh. Trong đó, tỏi là một dược liệu rất hữu hiệu. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm liên quan đến vấn đề này, mọi người có thể tìm hiểu và sử dụng. Và để phòng tránh những bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa, mọi người nên thường xuyên tập thể thao, dưỡng sinh, yoga… để có độ dẻo dai và tăng sức đề kháng cho cơ thể”. Riêng với trẻ nhỏ, bác sĩ Trương Thúy Vinh – Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi T.Ư khuyên, cha mẹ, người trông trẻ cần lưu ý nhất đến việc chăm sóc miệng tốt cho trẻ sẽ hạn chế tối đa mắc các bệnh hô hấp. Theo đó, mỗi ngày nên rửa mũi, xúc họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,09%. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện ốm, sốt cần đưa trẻ đi khám, tuyệt đối không tự ý điều trị.
Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Duy Quang
|