Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều nguy cơ đe dọa toàn cầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngoài thông tin đáng mừng liên quan đến cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel được nối lại sau những chuyến công du con thoi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, khu vực Trung Đông và Bắc Phi vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn.

Trong khi kinh tế toàn cầu đang yếu đi bởi sự giảm tốc của hầu hết các nước, các khu vực, sức khỏe của người dân một số nước cũng bị đe dọa bởi các bê bối thực phẩm.
 
Nhiều nguy cơ đe dọa toàn cầu - Ảnh 1
Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi xuống đường biểu tình tại một công viên gần trường Đại học Cairo, ngày 16/7/2013. Ảnh: AFP

 Sau nhiều trở ngại, Thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem el-Beblawi đã thành lập được nội các mới, tuy nhiên, rất khó để các đảng phái chính trị tại nước này gạt bỏ bất đồng, tiến hành đối thoại, hòa giải khi các cuộc biểu tình lớn vẫn diễn ra trên các đường phố. Đặc biệt, trong một bước đi nhằm ổn định đất nước, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour đã ban hành sắc lệnh thành lập Ủy ban pháp lý để sửa đổi bản Hiến pháp vốn bị quân đội đình chỉ hôm 3/7 vừa qua. Ngày 21/7, Ủy ban gồm 10 người này đã có cuộc gặp đầu tiên nhằm xúc tiến ban hành dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong vòng từ 1 – 2 tháng. Tuy nhiên, chính phủ lâm thời Ai Cập vẫn còn một chặng đường dài phải đi để tiến hành cuộc bầu cử mới vào năm 2014 khi phong trào Anh em Hồi giáo kiên quyết không bắt tay với Chính phủ lâm thời cho tới khi Tổng thống bị phế truất Morsi được phục hồi chức vụ.

Trong khi đó, hầu hết các báo cáo kinh tế được những định chế tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố đều đưa ra triển vọng không mấy khả quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Vì thế, không ngạc nhiên khi Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc G20 tại Moscow, Nga đã nhất trí thực hiện những ưu tiên trong ngắn hạn là thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Quan chức tài chính G20 cũng ủng hộ kế hoạch hành động nhằm xử lý nạn trốn thuế của những công ty đa quốc gia và giúp bổ sung các ngân sách eo hẹp.

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm thương tâm tại một trường học ở bang Bihar, Ấn Độ hôm 17/7, các cơ quan chức năng nước này đã xác định nguyên nhân là do thức ăn bị nhiễm thuốc trừ sâu. Việc ít nhất 27 học sinh tử nạn và hàng chục em khác vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện đã nối dài danh sách các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các trường học của Ấn Độ. Nguyên nhân là do các bữa ăn miễn phí cho học sinh thường bị cắt xén, mất an toàn thực phẩm. Không những thế, khi nhiều em học sinh có triệu chứng ngộ độc, các bác sĩ của bệnh viện địa phương đã chậm trễ trong hoạt động cấp cứu, điều trị khiến hậu quả nghiêm trọng hơn. Vụ việc này cũng là hồi chuông cảnh báo đối với việc kiểm soát chất lượng thực phẩm trong các bữa ăn tại trường học ở Ấn Độ nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, trong đó có Việt Nam.