Nên lùi thời gian thực hiện
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, Đề án hạn chế phương tiện cá nhân đã được nghiên cứu một cách nghiêm túc, có lộ trình. Tuy nhiên, mỗi nội dung của Đề án hiện như một tiểu đề án, do vậy, nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng từng tiểu đề án, khi áp dụng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi trên thực tế, nhiều xe cá nhân không phải chính chủ, trong khi đó muốn phạt "nguội" phải là xe chính chủ. Trong khi đó, người bán xe hiện nay khi mua bán xe chỉ làm giấy ủy quyền quản lý, sử dụng, đổi chác, thế chấp tài sản có công chứng chứ không sang tên đổi chủ theo quy định để "trốn" thuế trước bạ.
Do vậy, để phạt "nguội" xe vi phạm, Bộ Công an cần phải quản chặt việc sang tên đổi chủ, nhưng đây không thể là việc có thể làm trong một sớm một chiều.Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ cơ sở nào để xác định đâu là xe cá nhân? Cụ thể, xe của doanh nghiệp tư nhân, của bệnh viện tư đều là biển trắng, đây có phải là xe cá nhân hay không? Hay như taxi đã được Bộ GTVT công nhận là xe vận tải hành khách công cộng. Vậy tại sao trong Đề án, taxi không được coi là phương tiện vận tải hành khách công cộng nhưng cũng không được coi là phương tiện cá nhân, vậy đây là thuộc loại xe gì?
Hạn chế phương tiện cá nhân để giảm UTGT và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Linh Anh
"Nếu không sửa đổi Luật Dân sự về ủy quyền sẽ dẫn đến rắc rối khi người điều khiển phương tiện dùng ủy quyền chứ không sang tên. Không chỉ rõ đâu là xe cá nhân, đâu là xe vận tải hành khách công cộng, rất rễ gây ra sự chồng chéo. Vì vậy, nên lùi thời gian thực hiện Đề án sang năm 2013 và đến 2015 mới thực hiện" - ông Liên đề xuất.
Ưu tiên phát triển vận tải công cộng
Về việc hạn chế ô tô cá nhân, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, ô tô là phương tiện đi lại văn minh hiện đại và an toàn. Số lượng người di chuyển bằng ô tô cá nhân chiếm số lượng ít hơn nhiều lần xe máy, do đó nên chăng chỉ cần điều chỉnh sự tham gia giao thông của những người này nhằm nhường đường cho xe buýt hoạt động, tạo điều kiện cho việc ưu tiên phát triển giao thông công cộng (GTCC), khi phát triển, người dân có điều kiện chuyển từ đi xe máy sang đi loại hình phương tiện này.
Sau khi cân bằng được tỷ lệ nhất định, lúc đó sẽ cho phép xe ô tô cá nhân hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, cần hạn chế xe ô tô đi vào các trục đường chính cũng như đường vành đai giờ cao điểm để ưu tiên xe buýt. Trong giai đoạn tiếp theo, khi số lượng xe máy tự giảm số lượng, không hạn chế ô tô cho đến khi quá tải lúc đó có thể áp dụng hạn chế ô tô bằng các biện pháp đấu thầu biển số...
Đặc biệt, Hiệp hội cho rằng, để có thể triển khai hiệu quả Đề án, cần nhanh chóng quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ, bộ ngành, địa phương trong việc hoạch định lộ trình kế hoạch đầu tư hạ tầng, phát triển GTCC cho phù hợp với năng lực tài chính của từng địa phương; Giải quyết các vướng mắc về pháp lý: Các Nghị định, Pháp lệnh, Luật Thủ đô...; Xây dựng phương pháp thu phí nội đô và giờ cao điểm bằng công nghệ thông tin (tiền thu phải vào kho bạc bằng thẻ tín dụng điện tử). Triển khai cấm các loại phương tiện vào nội đô, giờ cao điểm, cấm một số tuyến và quy định các loại xe được cấp giấy phép vào đường cấm, phố cấm và các xe ô tô ngoại tỉnh vào Hà Nội.