Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã chỉ ra những tồn tại cần giải quyết sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2003. Từ thực tiễn và bối cảnh nghiên cứu sửa đổi, dự thảo phải có tầm nhìn xa, bao quát và chú trọng khắc phục các yếu kém tồn tại.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại Hội nghị.Ảnh: Thái San
Chưa thống nhất khái niệm đất phi nông nghiệp
KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội chỉ ra rằng, đối với đất phi nông nghiệp, tại Điều 9, Dự thảo chia thành 11 loại, nhưng khi xác định chế độ sử dụng đất chương X tại mục 3 về đất phi nông nghiệp lại cụ thể 20 loại, chưa thống nhất về khái niệm. Ngoài ra, so với quy định chức năng sử dụng đất trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, lại có sự khác biệt, nhất là phân loại đất phi nông nghiệp. Trong phát triển kinh tế - xã hội, để quản lý chặt chẽ nên có sự thống nhất giữa chức năng sử dụng đất phi nông nghiệp với chức năng công trình xây dựng trên nền đất. Điều này khó cho xác định giá đất với nội dung xây dựng các dự án, khó cho định dạng sai phạm về sử dụng đất ở Điều 200 - 201. Vì vậy, nên phối hợp để thống nhất về nguyên tắc.
Theo các chuyên gia, trong Dự thảo, từ Điều 138 đến Điều 157 cần cơ cấu lại và đảm bảo các thuật ngữ sử dụng có tính khoa học và ổn định lâu dài. Cụ thể: khái niệm đất ở đô thị chưa chuẩn xác, công trình phục vụ đời sống, công trình sự nghiệp, có thể giải thích theo nhiều cách hiểu khác nhau. Khái niệm đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ cần điều chỉnh là đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật (Điều 151). Bên cạnh đó, không rõ phạm vi đất thương mại dịch vụ (Điều 147) với đất sử dụng mục đích công cộng (Điều 150). Trong khi tại dự thảo chưa đề cập đến đất hỗn hợp là loại đất thường gặp trong đô thị và nhiều nước cũng đã đề cập đến…
Sớm hoàn tất bản đồ địa chính
Tại hội nghị, các chuyên gia chỉ ra những tồn tại đến nay sau khi ban hành Luật Đất đai 2003, đó là chưa hoàn tất điều tra cơ bản đất đai, đo đạc lập bản đồ địa chính. Theo GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội, đến nay, cả nước mới đo đạc lập bản đồ địa chính được khoảng 75% tổng diện tích đất tự nhiên. Do vậy, trong Luật sửa đổi, cần có cơ chế mới để sớm chỉnh lý, hoàn tất. Nội dung này đã được đề cập trong Chương 3, nhưng cần làm rõ trách nhiệm của từng cấp đơn vị hành chính (theo phân định hành chính trong Hiến pháp).
"Tại Điều 33, Dự thảo có quy định trách nhiệm thống kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất tới cấp huyện, cấp xã, nhưng việc điều tra, đánh giá đất trong Điều 30 - 31 - 32 lại chỉ dừng ở trách nhiệm cấp tỉnh là chưa thống nhất rõ ràng để xác định trách nhiệm của từng cấp. Ngoài ra, cần thêm vào Điều 30 về đo đạc, lập bản đồ địa chính cần có nội dung bắt buộc ứng dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại để thống nhất trong toàn quốc và hội nhập thế giới" - GS.TS Vũ Hoan chia sẻ.
Nhiều ý kiến quan ngại về việc đất lúa từng bị thu hồi ồ ạt, rất "xót ruột". Nhiều khu đô thị mọc lên từ đất lúa, nhưng lại để hoang hóa, đầy cỏ mọc, không biết đến bao giờ mới có người đến ở. Điều này đã gây bức xúc cho chính những người nông dân có đất lúa bị thu hồi.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo hoan nghênh các ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Trên cơ sở đó, TP sẽ tiếp thu, tổng hợp, hoàn thiện báo cáo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). "Vấn đề định giá đất đã được bàn nhiều, tuy nhiên việc bồi thường phải theo sát giá thị trường, vẫn phải có khung, bảng giá do địa phương quyết định. Nếu giá đất biến động bất ổn, UBND TP sẽ báo cáo HĐND TP để điều chỉnh" - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định.
"Theo Luật Quy hoạch đô thị, khi lập quy hoạch xây dựng đô thị có nội dung quy hoạch sử dụng đất. Do vậy, tại Điều 35 dự thảo quy định hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có xác định tới cấp huyện (bao gồm quận, thị xã). Như vậy có sự trùng lặp. Đối với các quận của TP, nên lồng ghép quy hoạch sử dụng đất trong quy hoạch xây dựng để tập trung vào xây dựng kế hoạch sử dụng đất." - KTS Đào Ngọc Nghiêm |