Kinhtedothi - Mặc dù Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng cho các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu (XK) song đây cũng là thị trường có nhiều thách thức đối với DN Việt Nam - đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Cơ hội xuất khẩu thực phẩm và đồ uống sang Hoa Kỳ và những yêu cầu của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, dược phẩm đối với hàng nhập khẩu” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 11/4.
Yêu cầu cao
Từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, nhất là sau khi 2 nước ký hiệp định thương mại song phương (BTA), quan hệ thương mại 2 nước phát triển rất nhanh cả về quy mô và tốc độ. Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Nếu như năm 1995, kim ngạch thương mại 2 nước chỉ đạt 452 triệu USD đến năm 2015 đã lên đến 37,9 tỷ USD. Năm 2015, Việt Nam vươn lên đứng thứ 19 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ, trong khi năm 2014, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ 27.
Thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại cho thấy, Hoa Kỳ là quốc gia có hệ thống luật pháp phức tạp và nhiều rào cản kỹ thuật đối với thương mại. Đặc biệt, những mặt hàng thực phẩm và đồ uống khi XK sang Hoa Kỳ phải tuân thủ khá ngặt nghèo các quy định của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cụ thể: FDA yêu cầu tất cả các DN khi XK hàng thực phẩm và đồ uống, dược phẩm cho người và động vật vào thị trường Hoa Kỳ phải đăng ký cơ sở sản xuất và đăng ký người đại diện tại Hoa Kỳ. Và cứ 2 năm một lần, các DN XK vào thị trường này sẽ phải đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại Hoa Kỳ với FDA để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới. Ngoài ra, còn có các quy định ghi nhãn, định dạng, ngôn ngữ; hệ thống phân tích và kiểm soát nguồn nguy hại (HACCP) và tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMPs)…
Ông Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hiệp hội nuôi ong Việt Nam chia sẻ:“Nếu muốn XK 1 tấn mật ong sang thị trường Hoa Kỳ, sản phẩm phải qua 25 lần kiểm tra chất lượng. Nếu hàng hoá nhập khẩu vào thị trường này không tuân thủ các quy định về ATTP, đảm bảo chất lượng và đăng ký cơ sở sản xuất, không những hàng hóa sẽ bị thu giữ hoặc tiêu hủy mà DN XK có thể phải chịu một khoản tiền phạt, thậm chí là bị khởi tố hình sự vì phía Hoa Kỳ coi đây là hành động "bị cấm nhưng vẫn làm”.
Trông cậy vào đại diện thương mại
Để hạn chế đến mức tối đa việc vi phạm các quy định của FDA qua đó tăng cường XK bên cạnh vai trò của các tham tán thương mại được đánh giá là rất quan trọng. Theo ông Nguyễn Trung Thành - Giám đốc bán hàng của Công ty Thực phẩm GOC, với những yêu cầu ngày càng cao và chặt chẽ của thị trường Hoa Kỳ, công ty đã gặp không ít khó khăn trong quá trình XK. Tuy nhiên chỉ đến khi hợp tác với một công ty tư vấn XK, hoạt động XK vào Hoa Kỳ của Công ty mới "thuận buồm xuôi gió". Bởi đại diện thương mại không chỉ có trách nhiệm tư vấn mà còn phải hoàn thiện các thủ tục đăng ký giúp DN giảm thời gian, chi phí và không sai sót khi làm các thủ tục XK hàng hóa vào Hoa Kỳ. Hoặc khi phía Hoa Kỳ cử đoàn sang kiểm tra nhà máy và DN, quy trình sản xuất sản phẩm, đại diện thương mại cũng sẽ giúp DN chuẩn bị tốt nhất các vấn đề liên quan, nhằm đáp ứng các yêu cầu về quản lý của nước nhập khẩu.
Tại buổi hội thảo ông David Lennarz – nguyên chuyên gia kỹ thuật FDA, Phó Chủ tịch Công ty Registrar Corp - đơn vị chuyên tư vấn cho các DN XK sang Hoa Kỳ khuyến cáo, muốn tăng cường xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, DN Việt Nam phải thông báo cho cơ quan FDA trước khi chuyển hàng đến Hoa Kỳ thay vì sau khi đến mới thực hiện thủ tục; đồng thời phải khai báo cho tất cả các chuyến hàng bằng đường biển, hàng không, chuyển phát nhanh hay đường bộ. DN phải phát triển hệ thống ATTP và hệ thống này đảm bảo sản phẩm được sản xuất an toàn, chất lượng. Đặc biệt, cần có đại diện thương mại làm cơ quan tư vấn, hỗ trợ DN trong việc hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan, “đây vừa là yêu cầu trước mắt vừa là vấn đề xuyên suốt trong tiến trình đẩy mạnh XK của Việt Nam” - ông David Lennarz nhấn mạnh.
Chế biến mít sấy tại Công ty TNHH Thương mại Vân Phát. Ảnh: Nguyễn Sinh
|