Nhiều sinh viên cử tuyển người dân tộc ra trường chưa bố trí được việc làm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được đề cập tới trong báo cáo của Ủy ban Dân tộc về tình hình thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010 đến nay.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện nay đã có 50/53 dân tộc thiểu số được hưởng chế hộ cử tuyển. Trong đó, một số dân tộc thiểu số có số học sinh cử tuyển khá đông như: Thái (15,17%), Khmer (12,46%), Tày (9,59%), Mông (8,04%), Dao (5,58%)… Tuy nhiên, vẫn còn 3 dân tộc không có học sinh cử tuyển gồm: Brâu, Lự và Ơ đu (thuộc các dân tộc rất ít người).
Những năm qua, nhu cầu đào tạo học sinh cử tuyển của các địa phương giảm mạnh. Nếu như năm 2015 vẫn còn 24/52 tỉnh, TP có nhu cầu tuyển sinh cử tuyển, thì đến năm 2017, chỉ còn 8 tỉnh có nhu cầu này gồm: Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Hòa Bình, Phú Yên, Ninh Thuận, Trà Vinh và Bạc Liêu. 
 Chính sách dân tộc trong lĩnh vực giáo dục được thực hiên đúng, đủ, kịp thời. Ảnh minh họa
Theo Thứ trưởng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông, nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh viên cử tuyển ngày một giảm là bởi số sinh viên cử tuyển ra trường chưa bố trí được việc làm còn tồn đọng nhiều. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo cử tuyển cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.
Liên quan tới các chế độ, chính sách đối với học sinh, sinh viên nói chung, Ủy ban Dân tộc đánh giá là được thực hiện cơ bản đúng, đủ, kịp thời; đóng vai trò quan trọng trong việc huy động trẻ em, học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đến trường, không bỏ học giữa chừng học hết cấp học và học lên trình độ cao hơn.
Tuy nhiên đến nay, một số chính sách đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học và sinh viên dân tộc thiểu số đã không còn phù hợp, nhưng chưa được sửa đổi, ban hành mới kịp thời. Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương chậm, muộn trong thực hiện các chính sách dân tộc thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo… 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần