Trước đó, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã nhận định dù cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn chưa chấm dứt, nhưng có nhiều dấu hiệu lạc quan, bao gồm sự phục hồi kinh tế ở một số nước, tình trạng mất cân bằng thương mại đã được giảm bớt và giảm mức thâm hụt ngân sách nên sẽ không có lý do gì để ECB cắt giảm thêm lãi suất. Tuy nhiên, nhà phân tích Jonathan Loynes thuộc Capital Economics cho rằng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn yếu, tỷ giá đồng euro ở mức cao và thanh khoản kém, sức ép buộc ECB phải hành động để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế còn mong manh trong năm 2014 tiếp tục gia tăng. Không những thế, sau khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor (S&P) hôm 20/12/2013 hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của châu Âu từ AAA xuống AA+, nhiều chuyên gia cho rằng, ECB phải nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lớn nhất trong năm 2014 là thực hiện liên minh ngân hàng trong khối Eurozone. Dù cơ chế đóng cửa các ngân hàng yếu kém của khu vực Eurozone còn gọi là Cơ chế giải quyết chung (SRM) đã có nhưng việc thống nhất quyền giám sát các ngân hàng của ECB và cơ chế bảo hiểm tiền gửi trên toàn khu vực Eurozone để tạo nên liên minh vẫn chưa rõ ràng. Chính điều này khiến việc tách bạch hoạt động ngân hàng tại châu Âu khỏi nhà nước gặp nhiều trở ngại và khiến không ít người băn khoăn về điều gì sẽ xảy ra nếu như một ngân hàng sụp đổ.