Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều thách thức trong nỗ lực tiêu diệt IS

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang gieo rắc nỗi sợ hãi khắp vùng Trung Đông, Bắc Phi, ngày 15/9, các quan chức an ninh của khoảng 30 quốc gia đã tham gia hội nghị quốc tế đầu tiên bàn về cách thức để điều phối chiến lược đối phó với IS tại Paris (Pháp).

Giữa lúc IS đã chiếm đóng phần lớn lãnh thổ ở miền Bắc Iraq và thiết lập một căn cứ mạnh ở Syria, Tổng thống Pháp Francois Hollande trong bài phát biểu khai mạc hội nghị đã kêu gọi lãnh đạo các nước đưa ra một hành động đối phó toàn cầu đối với các phiến quân thuộc nhóm IS, đồng thời cho rằng IS đã gây ra một mối đe dọa an ninh đối với toàn thế giới. Ngay trước thềm hội nghị, Tổng thống Iraq Fuad Masum cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng có hành động đối phó với IS như thực hiện một chiến dịch không kích toàn diện, nếu không lực lượng này sẽ chiếm thêm các vùng lãnh thổ, gây ra những hiểm họa lớn hơn.
Tổng thống  Pháp Francois Hollande (trái) và Tổng thống Iraq Fuad Masum tại Cung điện Elysée.     Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) và Tổng thống Iraq Fuad Masum tại Cung điện Elysée. Ảnh: Reuters
 
Trước khi hội nghị này diễn ra, Mỹ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thành lập liên minh chống IS và đáp lại lời kêu gọi này, đã có gần 40 quốc gia trên thế giới ủng hộ kế hoạch chống IS. Việc chính quyền Australia hôm 14/9 tuyên bố sẽ triển khai khoảng 600 binh sĩ và máy bay chiến đấu tới các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) để tham gia liên minh chống IS của Mỹ. Đây được xem là một tín hiệu tích cực cho Mỹ khi nước này đang tăng cường vận động các nước ở Trung Đông, cũng như các đồng minh phương Tây tham gia vào liên minh quốc tế đối phó với mối đe dọa đang lên của  IS. Trước đó, chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhằm vận động các nước ở khu vực Trung Đông tham gia vào liên minh chống IS đã thu được kết quả thuận lợi khi Mỹ giành được sự ủng hộ nhiệt tình từ 10 quốc gia là Ai Cập, Iraq, Jordan, Lebanon và 6 nước vùng Vịnh. Sự hỗ trợ của các nước khu vực đối với kế hoạch của Mỹ được xem là rất quan trọng, khi Mỹ có thể sử dụng căn cứ quân sự của một số để hỗ trợ cho việc chống lại IS tại Iraq và Syria.

Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất với chính quyền Mỹ hiện nay là trong liên minh quốc tế chống IS, không nhiều nước sẽ trực tiếp tham gia cùng Mỹ không kích vào các căn cứ của IS tại Iraq và Syria. Hiện, mới chỉ có Australia và Pháp tuyên bố sẵn sàng tham gia chiến dịch không kích "nếu cần thiết". Hai đồng minh quan trọng khác của Mỹ là Anh và Đức dù ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ nhưng tuyên bố sẽ không tham gia không kích vào Syria. Điều đáng nói là, trong quá khứ, Anh thường là nước đầu tiên hưởng ứng các chiến dịch quân sự của Mỹ ở nước ngoài nên động thái do dự của Anh lần này là dấu hiệu cho thấy, hiệu quả của chiến lược toàn cầu nhằm tiêu diệt IS lần này sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, nhất là khi thiếu vắng sự hỗ trợ thiết thực từ các nước đồng minh thân cận.