Nhưng cũng có không ít người đi chợ hoa chỉ đơn giản để cảm nhận cái không khí tấp nập nhưng không ồn ào, cái không khí Tết rộn ràng đầu xuân.
Như đã thành lệ, ngày 23 tháng Chạp (cũng nhằm ngày ông Công, ông Táo về chầu Trời) nhiều chợ hoa Tết ở Hà Nội đã được mở. Phố phường tràn ngập trong muôn màu sắc hoa. Nhưng có lẽ đã từ rất lâu khu vực Cống Chéo - Hàng Lược vẫn là điểm đến của nhiều người dân Thủ đô. Theo những cụ già kể lại, từ những năm đầu thế kỷ XX, phố Hàng Lược chỉ kinh doanh có một mặt hàng vào dịp Tết: Hàng hoa. Khác với những chợ khác, chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược mỗi năm chỉ họp một lần và chỉ kéo dài đến đêm Giao thừa. Chợ họp dọc phố, nên có tên là "phố chợ hoa". Những năm gần đây, Hàng Lược không còn là chợ hoa độc nhất tại đất Kinh kỳ. Nhiều phố ở Thủ đô như Nghi Tàm, Lạc Long Quân, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Quốc Việt… nhiều chợ hoa cũng được mở để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Thời điểm này, đã có rất nhiều chủng loại hoa được nhập về, phù hợp với mọi nhu cầu và điều kiện của khách hàng. Ông chủ cửa hàng Đình Vy trên phố Hoàng Hoa Thám cho biết, năm nay người dân thích chơi mai trắng do có thể chơi được lâu, lại có đến 2 lần nở hoa trong năm. Một cây mai thế cỡ nhỏ có giá khoảng 550.000 đồng, cây đặt ở phòng khách giá đắt nhất cũng 800.000 - 1.200.000 đồng. Bên cạnh các loài hoa quen thuộc, những năm gần đây các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này cũng cũng nhập thêm nhiều loại hoa mới như đào, mai đỏ của Trung Quốc, Nhật Bản. Những loại cây này có giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/cây…
Tô điểm cho hương sắc ngày xuân còn phải kể đến các loại cây cảnh như: Cam Canh, bưởi Diễn… với nhiều kiểu dáng khác nhau. Mấy năm gần đây sự xuất hiện của cây thanh long đỏ cũng thu hút sự quan tâm của người dân Hà Nội bởi sự khác lạ, màu sắc bắt mắt, giá cả hợp lý. Với 550.000 - 2.500.000 đồng, người mua có thể sở hữu một cây thanh long từ 12 - 39 quả mang ý nghĩa Phúc Lộc trong ngày đầu năm mới.
Trong dịp Tết, cành đào, chậu quất vẫn là mặt hàng được nhiều người lựa chọn. Năm nay, thời tiết không thuận lợi, nóng lạnh bất thường nên lượng hoa cung ứng ra thị trường không dồi dào như mọi năm. Tuy nhiên, giá cả không có nhiều biến động so với năm ngoái. Anh Long, chủ nhân vườn đào hơn 200 gốc ở phường Quảng An (quận Tây Hồ) cho biết: Kinh tế khó khăn nên người dân cũng không dám "mạnh tay" chi tiêu như những năm trước. Việc mua những cây quất, đào "hoành tráng" với giá hàng triệu đồng sẽ là quá xa xỉ, nên giá bán đào, quất khó tăng cao.
Giá đào năm nay dao động từ 5 - 7 triệu đồng/gốc, những gốc đào có tuổi thọ cao, thế đẹp, hoa, nụ nhiều giá có thể lên đến 20 triệu đồng/gốc. Trong khi đó, những cành đào bích xum xuê nụ và hoa được các chủ vườn bán ra với số lượng lớn, giá từ 200.000 - 500.000 đồng/cành.
Những ngày áp Tết, bên cạnh đào Nhật Tân còn có đào rừng chở từ Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Lai Châu… về góp vào thú chơi hoa Tết của người Hà Nội. Dự kiến những gốc đào to, có đủ hoa, nụ, lộc non… giá cao nhất khoảng 3 - 3,5 triệu đồng, những gốc nhỏ hơn dao động 500.000 - 1.500.000 đồng.
Quất cảnh do người dân khu vực Quảng Bá trồng quả vừa to, vàng sậm, lá xanh mướt lại nhỏ luôn được bán với giá cao hơn các loại quất khác chủ yếu đưa từ Hưng Yên sang, giá từ 500.000 - 1.500.000 đồng/cây. Đối với cây cao trên 1,5m, quả sai, dáng đẹp có đầy đủ hoa, lộc, quả xanh xen lẫn quả chín có thể lên đến 3 - 5 triệu đồng/cây. Kinh tế không dồi dào nên thay vì mua đứt một gốc đào, chậu quất đẹp, những năm gần đây, nhiều người chọn cách thuê đào với giá "mềm" hơn, từ 1 - 2 triệu đồng cho mỗi gốc đào, quất thế.
Góp thêm sắc Xuân Hà Nội còn có những cây mai vàng đưa từ miền Nam. Năm nay giá mỗi cây mai từ 700.000 - 1.500.000 đồng. Đặc biệt, hai năm trở lại đây, thị trường hoa Tết Hà Nội xuất hiện cây mai đỏ Trung Quốc, giá mỗi chậu từ 250.000 - 400.000 đồng/chậu.
Đã từ lâu, bên cạnh bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ…, mỗi gia đình người Hà Nội, dù thu nhập cao hay thấp, trong ngày Tết không thể thiếu lọ hoa hay chậu cây cảnh. Chính vì vậy, mỗi khi Tết đến, xuân về, các chợ hoa Tết lại sôi động và có lẽ sức sống lâu bền của nó sẽ mãi là nét văn hóa riêng của người Hà Nội.
Chợ hoa trên đường Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Quỳnh Anh
|