Tại điểm thi Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, mặc dù thời gian làm bài thi môn Toán các khối A và B còn hơn 30 phút nhưng đã có nhiều thí sinh bước ra khỏi cổng trường.
Em Nguyễn Hồng Anh và Nguyễn Quỳnh Anh, đăng ký dự thi khối A, ngành Sư phạm Toán của trường này hồ hởi khoe: Cách ra đề hay, bám sát chương trình THP, chủ yếu là lớp 12 và nằm trong phần chúng em đã được các thầy cô ôn tập. Trong đề chỉ có 3 câu khó (3, 6, 7a) khiến chúng em làm hơi mất thời gian. Còn lại các câu hỏi khác đều rất dễ. Chúng em làm thừa thời gian 40 phút. Vừa kiểm tra lại các đáp án bài làm, chúng em dự tính chắc chắn sẽ được 9 điểm.
Nhiều thí sinh khác dự thi môn Toán cũng cho hay, đề thi năm nay có đến hơn 50% số câu hỏi là vừa sức. Đề cũng có những câu mang tính phân loại cao.
Thạc sĩ Cao Thanh Tình, giáo viên Trung tâm Luyện thi ĐH Miền Đông – Sài Gòn cho rằng: “Để làm được hai câu hỏi khó và mang tính phân loại cao (câu 3 và câu 6), thí sinh cần nắm vững phương pháp cơ bản về giải hệ phương trình, cách xử lý bất phương trình có chứa tham số, tính toán chính xác”.
Còn thầy Võ Nguyên Linh, giáo viên Trường THPT Thành Nhân, TP HCM nhận định: “Với đề thi này, học sinh có học lực trung bình - khá có thể đạt 6-7 điểm, thí sinh có học lực khá – giỏi dễ dàng có được điểm 9. Tuy nhiên, điểm tuyệt đối sẽ ít và chỉ giành cho thí sinh có học lực thật sự giỏi, nắm vững kiến thức”.
Đề thi môn Địa lý cũng được các thí sinh đánh giá bám sát chương trình sách giáo khoa nên nếu thí sinh ôn tập kỹ chương trình lớp 12 là có thể làm tốt. Chẳng hạn như câu I phần 2 hỏi về dân số đông ảnh hưởng đến nguồn lao động của nước ta; câu III phần 2 về sự chuyển dịch cơ cấu diện tích cây công nghiệp của nước ta giai đoạn 2000-2010.
Nhiều thí sinh thi tại Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương không bất ngờ khi vấn đề biển đảo lại một lần nữa lại được đưa vào đề thi Địa lý khối C. Thí sinh Hoàng Tuấn Anh đến từ Bắc Ninh dự thi khối C của trường này cho hay: Dù không đề cập trực tiếp đến Biển Đông như đề thi đại học nhưng trong đề thi có tới 3 câu hỏi liên quan đến các thế mạnh về biển. Chính vì vậy nếu nắm chắc nội dung này thì thí sinh dễ dàng đạt được điểm cao.
Nhận xét về vấn đề biển đảo, thạc sĩ Đỗ Văn Quang - Giáo viên Trung tâm Luyện thi ĐH Miền Đông – Sài Gòn cho biết: “Biển đảo vẫn là một vấn đề thời sự nóng bỏng. Việc đưa vấn đề biển đảo vào đề thi sẽ giúp thí sinh nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đề thi mang tính giáo dục và tính thời sự cao. Phần biểu đồ dễ hơn so với các năm, thí sinh không cần xử lý số liệu khi giải. Tuy nhiên khi nhận xét biểu đồ, thí sinh cần lưu ý đến sự tăng giảm về tỉ trọng giữa các năm. Bên cạnh đó, thí sinh phải so sánh được tốc độ tăng, giảm giữa cây công nghiệp hàng năm và cây công nghiệp lâu năm trong cùng một giai đoạn”.