Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều trăn trở với xây dựng luật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/3, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIII của Quốc hội.

Cùng với việc chỉ ra những việc Quốc hội đã làm được, chưa làm được, các ĐB cũng chia sẻ nhiều tâm tư sau một nhiệm kỳ.

Nghị định “to” hơn Luật

Các ĐB đều nhận định rằng, Quốc hội Khóa XIII đã không ngừng nỗ lực và đã đạt được những kết quả rõ ràng, không chỉ giải quyết vấn đề bức xúc thách thức hôm nay mà còn cho những năm tiếp theo. Việc ban hành Hiến pháp 2013 như một nhiệm vụ nặng nề và một cơ hội hiếm có dành cho Quốc hội Khóa XIII để thể hiện dấu ấn của mình. Và thực sự, Khóa XIII này của Quốc hội đã khép lại với việc hoàn thành chương trình lập pháp đồ sộ, ban hành hàng trăm đạo luật, hoàn thiện thể chế Nhà nước, đưa chính sách vào cuộc sống, cụ thể hóa đường lối chủ trương của Đảng.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) phát biểu tại phiên họp.
Tuy nhiên, nhận định về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn bởi việc luật còn chưa cụ thể phải chờ Nghị định, Thông tư mới thực hiện được. ĐB Trương Thị Huệ (đoàn Thái Nguyên) thẳng thắn: Luật chưa cụ thể sẽ tạo khoảng trống dẫn tới "lách luật" để vi phạm pháp luật, còn có tình trạng “thủ kho to hơn thủ trưởng”, Nghị định, Thông tư “to” hơn luật, chưa kể nhiều trường hợp Thông tư hướng dẫn sai luật, khiến ngân sách thiệt hại hàng tỷ đồng, nhiều điều khoản không đi vào cuộc sống làm cho nhờn Luật. ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) dẫn chứng: Nhiều luật có tính khả thi không cao, chưa hiệu lực đã phải đưa ra xem xét lại như Điều 60 Luật BHXH. Đây là lần đầu tiên người lao động phản ứng thẳng thắn khiến Quốc hội phải ban hành Nghị quyết để điều chỉnh. “Phải chăng bài học thực tiễn xã hội với lợi ích ý chí của dân là gốc vẫn còn nguyên giá trị” - ĐB Tô Văn Tám đưa ra câu hỏi và theo ông cũng là câu trả lời.

ĐB Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) chia sẻ, sau mỗi lần rời nghị trường, ĐB còn những trăn trở, ưu tư vì còn nợ dân, nợ nước. “Trong xây dựng pháp luật, dường như vai trò của Quốc hội, của ĐB Quốc hội chỉ ở khâu cuối cùng, nhiều mong đợi của Nhân dân, nhiều bức xúc của cuộc sống, nhiều trí tuệ, tâm huyết đã không được đưa vào pháp luật”. ĐB Nam nhắc lại, lần cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ĐB tha thiết đề nghị thay đổi trong giao đất nông nghiệp, thừa nhận sở hữu tư nhân đối với đất ở của người dân nhưng không được chấp nhận. “Đến khi giám sát việc nông dân bỏ ruộng và trả ruộng, chúng tôi mới thấm câu ca đã có từ lâu "đại biểu phát biểu thì rất hay, nhưng tiếp thu thì rất gay, nên xin giữ như dự thảo" - ĐB Nam nêu, và cho rằng đó cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng luật khung, luật ống, luật thì được ban hành nhiều, nhưng Nhân dân sốt ruột lo lắng vì... nhờn luật.

Giám sát, chưa phát huy hết quyền lực được giao

Đề cập đến vấn đề giám sát, ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần làm tốt hơn, khi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng chưa phát huy hết được quyền lực được giao, chưa đổi mới mạnh mẽ giám sát trong chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại tố cáo. “Quốc hội còn nặng nợ với cử tri, đánh giá của cử tri rất là công bằng, mong rằng bầu cử Quốc hội khóa mới sẽ chọn được những ĐB chất lượng hơn, cả ĐB tái cử cũng như mới trúng cử, để có quyết sách đúng hợp với lòng dân khắc phục tư tưởng nhiệm kỳ đi họp nhưng không phát biểu gì làm phí thời gian” - ĐB Huỳnh Nghĩa kỳ vọng.

Nhiều ĐB cũng cho rằng, trong chất vấn và trả lời chất vấn, câu nào cũng hỏi trách nhiệm thuộc về ai? nhưng rất ít trả lời. Như phá rừng, công trình trái phép là câu hỏi cử tri muốn làm rõ ràng. Quy trách nhiệm không dễ, nhưng đó là trách nhiệm của cả Chính phủ, Quốc hội và ĐB Quốc hội. Cá nhân tổ chức làm sai, quyền lực Nhà nước chưa được thực thi đầy đủ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến yếu kém. Từ đó các ĐB đề nghị, cần đổi mới nội dung giám sát, kết luận giám sát phải có vụ việc cụ thể, nội dung chất vấn phải đủ thời gian để ĐB truy trách nhiệm của người đứng đầu để cho Quốc hội và ĐB giám sát.

ĐB Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn chỉ ra nhiều nỗi lo của Nhân dân và mong muốn hoạt động Quốc hội mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Điều mà ĐB Võ Thị Dung tâm niệm: “Quốc hội có thể làm được là hoạt động Quốc hội phải trách nhiệm, mạnh mẽ hơn, gắn chặt hơn nữa với nỗi lo thường trực và mong ước chính đáng của Nhân dân; công khai hơn nữa toàn bộ hoạt động của Quốc hội để Nhân dân, cử tri theo dõi, giám sát thì Nhân dân sẽ có niềm tin. Đó là động lực mạnh mẽ để xã hội và đất nước phát triển” - và đó cũng là tâm niệm của nhiều ĐB Quốc hội Khóa XIII kỳ vọng ở Quốc hội Khóa XIV tới.