Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều trở ngại từ du lịch tiểu vùng Mekong

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/12, diễn đàn Du lịch tiểu vùng Mekong 2013 được tổ chức tại Hà Nội. Đây là một trong 11 chương trình ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong.

Ngày 19/12, diễn đàn Du lịch tiểu vùng Mekong 2013 được tổ chức tại Hà Nội. Đây là một trong 11 chương trình ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam cùng hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc).

Đánh giá về quá trình hợp tác du lịch trong tiểu vùng Mekong mở rộng, ông Trần Phú Cường-Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch cho biết, kết quả hợp tác tiểu vùng Mekong đã góp phần vào sự phát triển ngành du lịch của các nước trong khu vực. Thể hiện rõ nhất là sự tăng trưởng về lượng khách du lịch quốc tế. Theo số liệu thống kê năm 2012 lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực GMS đạt gần 44 triệu lượt so với chỉ tiêu 50,2 triệu lượt khách đến năm 2015. Đến nay, số lượt khách đến các nước trong khu vực này tiếp tục được tăng lên. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2013, tỉnh Vân Nam và Quảng Tây đón gần 5,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng trung bình 15%. Tương tự, Lào đón gần 2,8 triệu lượt, tăng 15%, trong đó lượng khách từ Việt Nam tăng trưởng trên 22%.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
10 tháng năm 2013, Myanmar và Thái Lan đều có lượng khách quốc tế đến tăng trên 20%. Cụ thể, Myanmar đón trên 450.000 lượt khách, tăng 27%; Thái Lan đón gần 22 triệu lượt, tăng trên 22%. Cũng trong thời gian này, trên 660.000 lượt khách du lịch Việt Nam tới Thái Lan, tăng gần 25%. Số lượng khách đến Campuchia cũng tăng ở tỷ lệ gần sát Thái Lan là 18,2% nâng số lượng khách du lịch quốc tế đến trong 10 tháng là 3,4 triệu lượt.

Việt Nam, 11 tháng năm 2013 có 6,85 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến, tăng 11%. Tính riêng lượng khách từ các nước trong tiểu vùng đạt khoảng 2,4 triệu lượt, chiếm 35% tổng lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, các nước tiểu vùng Mekong đều nhận thấy còn nhiều tồn tại và thách thức trong hoạt động hợp tác về du lịch như cơ sở hạ tầng kém phát triển, chưa đồng bộ, trình độ nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, số lượng người chưa qua đào tạo cao, trình độ phát triển du lịch chưa cao. Đại diện một doanh nghiệp du lịch của miền Trung Việt Nam cho biết, nhiều nhà đầu tư khách sạn 2-3-4-5 sao ở khu vực tiểu vùng Mekong đang khó khăn về quản lý khách sạn. Để có cách làm việc chuyên nghiệp, nhiều nhà đầu tư chấp nhận thuê tập đoàn quản lý khách sạn cao sao ở nước ngoài với chi phí từ 8-10% doanh thu và 5% lợi nhuận chia ra.

Thế nhưng hai bên không hợp tác được bởi đối tác quản lý không nêu cụ thể các nhiệm vụ quản lý. Nhà đầu tư phải mày mò quản lý dẫn đến nhiều năm kinh doanh không có hiệu quả hoặc lợi nhuận rất thấp. Đại diện nhà đầu tư này đề nghị hình thành các công ty quản lý do người Việt Nam hay của các nước tiểu vùng Mekong làm, để có giá cả phù hợp. Mặt khác, Tổng cục Du lịch nên thành lập một cục hoặc vụ có chức năng tập huấn, đào tạo doanh nghiệp cách quản lý  chuyên nghiệp.

Để sự hợp tác phát triển và có hiệu quả hơn trong tiểu vùng Mekong về du lịch, ông Phùng Quang Thắng- Trưởng phòng Đầu tư và Phát triển Tổng Công ty Du lịch Hà Nội đại diện cho các doanh nghiệp du lịch và các nhà cung cấp dịch vụ du lịch ở Việt Nam mong muốn được biết rõ hơn về các nội dung hợp tác đang và sẽ được thực hiện trong tương lai. Tiếp đó, cần có trung tâm dữ liệu bằng nhiều thứ tiếng hướng dẫn cụ thể và chi tiết về hoạt động của các chương trình tiểu vùng Mekong để tiếp cận, nghiên cứu, tận dụng những lợi thế khi triển khai các hoạt động.

Ông Quang Thắng đề nghị coi khu vực tiểu vùng Mekong là điểm đến du lịch từ đó xây dựng nhãn hiệu chung về du lịch và đưa ra hoạt động hợp tác cho phù hợp. Cùng với đó là hợp tác xây dựng sản phẩm đặc thù cho tiểu vùng trên cơ sở 2-3 quốc gia hướng tới các thị trường mục tiêu của khu vực. Có sản phẩm mang tính hợp tác tiểu vùng, cũng như những chương trình xúc tiến hướng tới các thị trường mục tiêu và tiềm năng với giá ưu đãi cho khách hàng. Tháo gỡ rào cản du lịch về hạ tầng giao thông đường bộ, xuất nhập cảnh đường bộ.

“Trước mắt những thủ tục làm visa xuất- nhập cảnh ở các cửa khẩu nhanh gọn và đơn giản hơn. Các nước tiểu vùng Mekong nên có những chuyến khảo sát và trao đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức du lịch có trách nhiệm với môi trường và với xã hội. Quan tâm đến du lịch có trách nhiệm ở trên và ven hai bên sông Mekong”-ông Quang Thắng đề xuất.