Thông tư mới về “Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT” đã quy định, các trường lần đầu tiên được tự xác định chỉ tiêu là cuộc cách mạng trong công tác tuyển sinh. Theo đó, từ năm 2012, Bộ chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là ra thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, làm căn cứ cho công tác thanh tra, kiểm tra sau này. Các trường tự xác định chỉ tiêu, nếu sai sẽ bị xử phạt rất nặng và kèm theo hình thức bắt dừng tuyển sinh tùy mức độ vi phạm. Ngoài ra Bộ quy định rõ các trường đại học, học viện không được phép đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp như trước đây. Chính vì quy định chặt chẽ như vậy nên nhiều trường năm nay xác định chỉ tiêu rất cẩn thận. Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Sơn, hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho biết: “Năm vừa qua, trường tuyển được hơn 100 giảng viên. Đây là cơ sở để trường đề nghị Bộ tăng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy cho những ngành học mới mở như Quản lý nguồn nhân lực và Marketing. Bên cạnh đó, trường thay đổi cách xét tuyển. Cụ thể, lấy điểm sàn theo trường, theo khối A, D1 chứ không lấy điểm chuẩn theo ngành như mọi năm nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của trường, đảm bảo những thí sinh điểm cao vẫn đỗ vào trường”. Trường ĐH Công nghiệp hàng năm số lượng thí sinh dự thi đông nhất nước như năm 2010 có tới 73.000 hồ sơ đăng ký dự thi, số thí sinh đến dự thi đạt 77% trong khi đó chỉ tiêu gần 9.000. Ông Trần Đức Quý, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Bộ quy định các trường tự xác định chỉ tiêu, nên trường đang lên phương án cân nhắc việc xác định chỉ tiêu cho năm 2012. Dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu hệ chính quy và giảm chỉ tiêu hệ ngoài chính quy. Đối với việc tăng thêm khối thi như A1, trường cũng sẽ nghiên cứu thực hiện để đa dạng ngành đào tạo, tuyển chọn những học sinh giỏi có chất lượng vào trường. Cuối tháng này, trường sẽ có đề án tuyển sinh mới”. Là trường ĐH trọng điểm về kinh tế, Học viện Tài chính luôn có điểm chuẩn thuộc loại tốp đầu của cả nước. Với phương án tuyển sinh mới của Bộ, Học viện cũng đã có động thái thay đổi nhằm phù hợp với nhu cầu xã hội. Ông Ngô Thế Chi, giám đốc Học viện Tài chính, cho biết: “Để đảm bảo chất lượng, trường giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh như năm 2010. Với việc mở rộng khối thi theo kế hoạch của Bộ, trường cũng sẽ nghiên cứu về hướng bổ sung khối thi mới, bởi các ngành nghề đào tạo của các trường đại học nhằm phục vụ nhu cầu xã hội”. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những trường được Bộ cho thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm một số nội dung về hoạt động đào tạo, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính nhưng đến thời điểm này, trường vẫn đang nghiên cứu để đưa ra phương thức tuyển sinh mới. Ông Nguyễn Cảnh Lương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã xem xét một số phương thức tuyển sinh. Cụ thể, tổ chức kỳ thi riêng trước kỳ thi 3 chung. Tuy nhiên cách này bất cập ở chỗ, số lượng thí sinh có thể rất lớn song khó xác định được có bao nhiêu sinh viên sẽ chọn ĐH Bách khoa Hà Nội, bao nhiêu em sẽ tham gia thi 3 chung tiếp và đi trường khác. Còn nếu tổ chức thi riêng đồng thời với “3 chung”, thí sinh sẽ rất khó quyết định bởi nếu không trúng tuyển thì sẽ không thể tham gia thi “3 chung” vào các trường khác được nữa. Nhà trường đang xem xét phương thức xét tuyển qua hồ sơ. Song, cách này cũng bất cập nếu như không tiến hành động bộ với các trường khác. Hiện, nhà trường vẫn chưa tìm được phương thức tuyển sinh hợp lý thay thế hoàn toàn phương thức “3 chung”.