Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều trường hợp phun thuốc bảo vệ thực vật cực độc lên rau

Chia sẻ Zalo

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện trong quá trình sản xuất, nhiều trường hợp người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngoài danh mục, sử dụng BVTV cấm (cực độc), sử dụng thuốc BVTV có thời gian cách ly không đảm bảo và không đúng nồng độ liều lượng.

Thanh tra giảm, vi phạm tăng

Tại hội thảo Công tác thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật do Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) tổ chức sáng 20/11, ông Trịnh Công Toản, Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế, Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong giai đoạn 2010 đến tháng 6-2011, chỉ tính riêng năm 2010, cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT đã tiến hành thanh, kiểm tra 16.500 lượt gồm công ty, cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV, phát hiện và xử lý trên 2.400 cơ sở vi phạm (chiếm 14,54%).
Nhiều trường hợp phun thuốc bảo vệ thực vật cực độc lên rau
Một sạp hàng bán nhiều loại rau củ quả. Ảnh có tính chất minh họa
Đặc biệt, trong khi thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện 8 trường hợp buôn bán thuốc BVTV cấm, 34 trường hợp buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả.

Đối với tình hình sử dụng thuốc BVTV trên rau, cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra 15.122 hộ dân, phát hiện 2.963 hộ vi phạm (chiếm 19,6%). Các hình thức vi phạm chủ yếu là sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục, sử dụng thuốc BVTV cấm, sử dụng thuốc BVTV có thời gian cách ly không đảm bảo và không đúng lồng độ liều lượng cho phép.

Ở giai đoạn từ tháng 7/2011 đến nay, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV được thanh, kiểm tra có xu hướng giảm dần từ mức 15.184 cơ sở năm 2011 xuống còn 5.874 cơ sở trong năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm lại theo chiều ngược lại ở mức 11% năm 2011 và 16% trong năm 2015.

“Việc sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định, lạm dụng thuốc BVTV đang gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, gây bức xúc cho cộng đồng. Tình trạng sử dụng sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục của nông dân vẫn diễn ra trên diện rộng khi số hộ vi phạm có chiều hướng gia tăng”, ông Toản nói.

Rau có lá nguy cơ mất an toàn cao

 Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV, mặc dù các loại thuốc BVTV cấm khá ít xuất hiện trên thị trường do đều là hàng phải nhập khẩu nhưng thời gian qua cơ quan chức năng cũng đã phát hiện được một số trường hợp người dân có sử dụng các loại thuốc BVTV này.

Thông thường, các loại thuốc BVTV cấm đều rất độc hại, có thể chứa các hoạt chất như thủy ngân, hoạt chất gây ung thư… Khi sử dụng thuốc này phun lên rau, không chỉ người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà ngay cả người phun thuốc cũng bị ảnh hưởng do sự độc hại của thuốc.

Điều đáng nói là, các loại thuốc này không quy định thời gian cách ly. Khi đã phun lên rau thì dù cả năm mới thu hoạch rau vẫn độc hại.

Ông Hồng cho biết: Tùy vào từng vùng và điều kiện khí hậu khác nhau mà người dân sẽ sử dụng liều lượng thuốc BVTV sao cho thích hợp. Tuy nhiên, qua thanh, kiểm tra cho thấy, hiện nay các loại rau ăn lá như rau cải hay các loại đậu cove, đậu đũa cho thu hoạch quả thường xuyên được người dân sử dụng thuốc BVTV nhiều nhất. Còn với các loại ăn củ hay ăn quả như khoai tây, cà chua, bầu, bí…, mức độ sử dụng thuốc BVTV hạn chế hơn.

Trên địa bàn TP. Hà Nội, kết quả kiểm tra cho thấy, hiện có khoảng 10% rau, củ, quả bị phát hiện có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, còn lại 90% đều là hàng an toàn. Tuy nhiên, 10% rau, củ, quả kia cũng không phải là mất an toàn, vẫn có thể ăn được bởi ngưỡng cho phép được áp dụng theo các quy định khá chặt chẽ, khắt khe. Từ mức độ sản phẩm có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho tới khi mất an toàn còn một khoảng cách khá xa.

“Khi nào các loại rau, củ, quả bị phát hiện có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép trên 10 lần thì lúc đó mới thực sự là mất an toàn, người dân không nên ăn”, ông Hồng nhấn mạnh.