Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều trường không đồng tình

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ có 30% sinh viên năm thứ nhất có thể theo học ngay các chương trình ngoại ngữ. 70% còn lại phải dạy tăng cường thêm.

KTĐT - Ông Nguyễn Ngọc Hợi, Hiệu trưởng Đại học Vinh cho biết theo kết quả điều tra ngoại ngữ đầu vào của sinh viên trường này, chỉ có 30% sinh viên năm thứ nhất có thể theo học ngay các chương trình ngoại ngữ của trường. 70% còn lại phải dạy tăng cường thêm.

Trước dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc không bắt buộc thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2010, rất nhiều đại diện các trường, sở giáo dục và đào tạo bày tỏ quan điểm không đồng tình.

Học sinh sẽ "tụt hậu" về ngoại ngữ

Ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở  Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng chia sẻ: “Cần coi trọng và nâng cao vai trò môn này trong điều kiện dạy hiện nay. Hơn 20 năm nay, việc bắt buộc thi ngoại ngữ đã tác động rất tích cực đến dạy và học môn này ở các cấp học phổ thông. Hơn nữa, hiện chúng ta đang triển khai chiến lược dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quôc dân. Vì vậy, tôi kiến nghị Bộ vẫn để ngoại ngữ là một trong các môn thi bắt buộc”.

Cùng ý kiến này, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tỏ ra băn khoăn: “Tôi không biết cơ sở lý luận nào mà Bộ lại điều chỉnh bỏ bắt buộc thi môn ngoại ngữ. Việc bắt buộc thi môn này là động lực cần thiết cho học sinh ngoại ngữ, nhất là trong điều kiện hội nhập hiện nay”.

Còn bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp thì “đề nghị Bộ hết sức cân nhắc” vấn đề này. Theo bà Hà, ngoại ngữ là môn quan trọng trong chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Học mà không thi thì khi ngay từ lớp 10, khi học ngoại ngữ, cả học sinh và giáo viên chắc chắn không xác định mục tiêu học nghiêm túc. Khi đó, chất lượng ngoại ngữ của học sinh Việt Nam sẽ không đảm bảo yêu cầu của công dân tương lai.

Ông Nguyễn Ngọc Hợi, Hiệu trưởng Đại học Vinh đưa ra con số cụ thể hơn. Ông cho biết theo kết quả điều tra ngoại ngữ đầu vào của sinh viên trường này, chỉ có 30% sinh viên năm thứ nhất có thể theo học ngay các chương trình ngoại ngữ của trường. 70% còn lại phải dạy tăng cường thêm. Thậm chí, có sinh viên đến hết năm thứ nhất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. “Vì thế, chúng tôi kiến nghị Bộ nên để ngoại ngữ là môn thi bắt buộc”, ông Hợi nói.

Rích rắc chấm chéo


Bên cạnh thay đổi về môn thi, trong phương hướng về công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có thay đổi về việc chấm thi.

Theo đó, Bộ vẫn duy trì chấm chéo giữa các tỉnh môn thi tự luận, nhưng lại điều chỉnh là Sở Giáo dục và Đào tạo có bài thi cử một giáo viên của mỗi môn thi tham gia thảo luận, thống nhất hướng dẫn chấm và chấm chung ít nhất 15 bài thi tại các tổ chấm thi của hồi đồng chấm thi ở nơi chấm bài cho đơn vị mình.

Một trong các lý do của sự điều chỉnh này xuất phát từ việc năm 2009, do các tỉnh khác chấm chặt nên điểm môn văn của một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị thấp.

Tuy nhiên, thay đổi này cũng không nhận được sự ủng hộ của các đơn vị trường, sở.

“Cách làm này sẽ gây lộn xộn, phát sinh nhiều chuyện phiền toái. Nếu vị đại diện này không đồng ý thì hội đồng phải ngừng chấm hay sao?”, Giáo sư Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ phát biểu.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cũng khẳng định cách này không giải quyết được vấn đề gì, thậm chí còn gây khó khăn. Cụ thể, Bộ quy định người giám sát “nếu thấy việc chấm thi có xu hướng không đúng đáp án, biểu điểm thì đề nghị chủ tịch hội đồng chấm thi chỉ đạo hoặc báo cáo giám đốc sở của tỉnh mình xin ý kiến chỉ đạo,” nhưng trong hội đồng chấm thi thì giám đốc của sở khác không có quyền can thiệp.

“Nghe thì có vẻ chặt chẽ nhưng về bản chất nghiệp vụ không hiệu quả. Cử một người đi giám sát không giải quyết được triệt để vấn đề”, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên nói.

Các đại biểu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu muốn có một mặt bằng chung thống nhất về cách chấm, biểu điểm chấm thì nên thành lập một hội đồng liên vùng, hội đồng khu vực. “Để hướng tới một kỳ thi chung cho cả tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng thì Bộ sớm tổ chức sớm chấm bài theo vùng để đảm bảo có mặt bằng chung”, ông Cường kiến nghị.

Giải đáp các ý kiến về các vấn đề trên, ông Nguyễn Vinh Hiển Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc Bộ điều chỉnh không bắt buộc thi ngoại ngữ do hiện nay, hầu hết các địa phương đều dạy môn này nhưng điều kiện dạy học còn khó khăn hơn các môn khác. Nếu ngoại ngữ là môn thi bắt buộc sẽ “ép” học sinh học, nhưng khi chất lượng thật sự chưa đảm bảo mà cứ bắt phải thi thì sẽ có sự chống đối.

Về vấn đề chấm thi, ông Hiển cho rằng việc thành lập các hội đồng chấm thi của các cụm, khu vực là tốt nhưng rất khó khăn trong thực hiện vì khi thành lập cụm sẽ phải tính tới việc lo chỗ ăn, ở cho hội đồng chấm thi trong ít nhất 10 ngày. Việc đi lại cũng khó khăn.

“Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến trên, nghiên cứu thêm để có thể có những điều chỉnh phù hợp hơn”, ông Hiển nói./.