Khai trương từ tháng 4/2008 và “án ngữ” tại một trong những vị trí đắc địa nhất của Hà Nội, TTTM Parkson Thái Hà từng được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm mua sắm lớn. Thế nhưng, sau 4 năm đi vào hoạt động, cái duy nhất TTTM này đạt được là trở thành trung tâm trưng bày những sản phẩm có thương hiệu vào loại lớn nhất Hà Nội. Trong khi lượng khách vào trung tâm mua sắm được ghi nhận còn khiêm tốn! Theo khảo sát của phóng viên, tỷ lệ lấp đầy tại Parkson Thái Hà từ tầng 1 đến tầng 7 hiện lên đến trên 90%. Đây là tỷ lệ lấp đầy rất lớn, nhiều TTTM nằm mơ cũng khó đạt được. Tuy nhiên, việc bán hàng tại đây hết sức khó khăn. Theo một số nhân viên bán hàng có thâm niên tại đây, việc cả ngày không bán được 1 sản phẩm tại Parkson Thái Hà là chuyện hết sức bình thường. Sở dĩ các gian hàng còn duy trì được vì đơn vị quản lý thu phí trên phần trăm doanh thu. Tại TTTM Parkson Keangnam LandMark Tower trên đường Phạm Hùng, với diện tích lên đến 35.600 m2, nên ngay khi khai trương vào tháng 12/2011, TTTM này đã trở thành một trong những TTTM lớn nhất tại Hà Nội. Sau gần 1 năm đi vào sử dụng, tỷ lệ lấp đầy của Parkson Keangnam LandMark Tower hiện rất cao, khoảng 90%. Thế nhưng, việc bán hàng khó khăn khiến nhiều gian hàng “nhập” rồi lại “xuất” diễn ra như cơm bữa. Một nữ nhân viên bán hàng cho gian hàng quần áo đồ hiệu VanGent, một thương hiệu của Bỉ tại tầng 3 TTTM Parkson Keangnam LandMark Tower cho biết, việc bán hàng tại đây rất khó khăn. Ngay tại gian hàng VanGent, chuyện một tuần hay một tháng mới bán được một sản phẩm là bình thường. Tình trạng khó bán hàng còn diễn ra với hầu hết các gian hàng, do lượng khách tìm đến mua sắm quá ít. Cũng theo nhân viên này, việc khó bán hàng, nhưng nhiều quầy hàng vẫn duy trì vì phí thuê mặt bằng được tính theo phần trăm doanh thu. Tuy nhiên, trong khi phí thuê gian hàng thấp (do doanh thu thấp), thì các chi phí khác như dịch vụ, phí kho gửi đồ, phí cho các chương trình truyền thông… lại rất lớn, khiến nhiều gian hàng phải chuyển đi vì thua lỗ! Với mức chi phí thuê khá cao, lại không bán hàng hiệu quả, TTTM Keangnam LandMark Tower đang chịu sự cạnh tranh khá mạnh từ phía đối thủ là TTTM Grand Plaza, cách đó không xa. Bởi TTTM Grand Plaza đang có các chương trình ưu đãi cực lớn cho khách thuê. Hơn thế, lượng khách mua hàng tìm đến TTTM Grand Plaza thời gian gần đây tăng nhanh, nhờ chiến lược định vị thị trường mới của đơn vị khai thác. Cũng là một TTTM lớn, với diện tích lên đến 30.000 m2, lại nằm tại vị trí thuận lợi của Hà Nội, gần kề với Parkson Thái Hà, TTTM Picomall có nhiều điều kiện để trở thành một trung tâm mua sắm, giải trí bậc nhất tại Hà Nội. Sau gần 1 năm khai trương, Picomall còn không ít gian hàng trống. Một đại diện gian hàng chuyên bán quần áo, giày nhãn hiệu Anta trên tầng 2 Picomall cho biết, mức giá thuê gian hàng tại TTTM Picomall được tính theo m2, với giá từ 70 - 80 USD/m2. Tuy nhiên, do việc bán hàng khó khăn khiến nhiều khách thuê đã bỏ đi. Theo vị đại diện này, nhiều gian hàng bỏ trống và đang cải tạo hiện nay cũng vì khách thuê không thể bán được hàng trả lại. Một nhân viên bán hàng nhãn hiệu thời trang AK Club tại tầng 2 Picomall khi được hỏi việc bán hàng lại tưởng phóng viên tìm hiểu để thuê mặt bằng kinh doanh tại TTTM này đã thẳng thừng khuyên: “không nên thuê, vì việc bán hàng rất chậm”. Theo nhân viên này, do rất ít khách mua hàng, nên việc các gian hàng chuyển đi khá phổ biến trong thời gian qua. Theo quan sát của phóng viên, TTTM Picomall có tỷ lệ trống rất cao. Rất nhiều gian hàng đã có khách thuê, nhưng có lẽ vì không bán được hàng, nên chủ gian hàng cho đóng cửa, khiến không khí mua sắm, bán hàng tại TTTM này không mấy nhộn nhịp.