Nhiều ưu đãi hấp dẫn
Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho người dân Thủ đô, xóa bỏ các cơ sở giết mổ thủ công, năm 2006 UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch 66/KH-UBND về việc xây dựng 7 cơ sở giết mổ, chế biến GSGC tập trung, hiện đại. UBND TP Hà Nội cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ DN có phương án đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, DN sẽ được vay vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển TP để đầu tư các hạng mục: Xây lắp, mua sắm dây chuyền thiết bị công nghệ với mức vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án được duyệt. Thời hạn vay vốn tối đa là 15 năm, có 1 năm ân hạn. Ngoài ra, ngân sách TP sẽ hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư các hạng mục: Chi phí bồi thường GPMB, đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải…
Cơ sở giết mổ gia súc hiện đại của Công ty Vinh Anh tại Khu công nghiệp Hà Bình Phương, huyện Thường Tín. Ảnh: Minh Ngọc
Bên cạnh đó, TP cũng đã có Quyết định 16/2012/QĐ-UBND hỗ trợ 50% chi phí cho các hộ giết mổ nhỏ lẻ thuê mặt bằng tại các cơ sở giết mổ tập trung ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai và 30% ở năm thứ ba. Chính sách này chỉ áp dụng với các cơ sở giết mổ GSGC (công nghiệp, bán công nghiệp) trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các yêu cầu về ATVSTP, vệ sinh môi trường.
Bằng việc đưa ra nhiều ưu đãi, thành phố hy vọng các DN sẽ mau chóng xây dựng được hệ thống giết mổ hiện đại, đảm bảo ATVSTP cho người dân Thủ đô.
Bao giờ được vay vốn?
Mặc dù đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ DN trong việc xây dựng hệ thống giết mổ GSGC hiện đại nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay lại không dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền (Thanh Oai) cho biết: Mặc dù DN có tên trong danh sách được hỗ trợ đầu tư theo Quyết định của TP nhưng từ năm 2007 đến 2009, DN đã mang hồ sơ đến Sở Quy hoạch Kiến trúc, Công Thương, Tài chính, Quỹ hỗ trợ TP… song vẫn chưa nhận được hồi âm tích cực. Không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, DN phải vay lãi suất ngân hàng 40 tỷ đồng với lãi suất 20,5%/năm, trung bình một tháng DN phải trả lãi 1 tỷ đồng (hiện lãi suất vay đã giảm xuống còn 15%/năm, DN phải trả 600 triệu đồng/tháng).
Không chỉ có Công ty Minh Hiền, nhiều DN tham gia xây dựng hệ thống giết mổ GSGC tập trung cũng trong tình trạng tương tự. Ông Trương Minh Thanh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, đơn vị quản lý dự án "Nhà máy giết mổ GSGC và chế biến thực phẩm" tại Gia Lâm cho biết: Do chưa có tiêu chí cụ thể trong việc thẩm định chất lượng dây chuyền sản xuất, dẫn đến khó vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội. Công ty đã nhiều lần đề cập vấn đề vay vốn với một số ngân hàng, song đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Một số DN lại than phiền, mặc dù đã có chính sách hỗ trợ DN tham gia xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung nhưng chính sách này còn nửa vời nên các DN khó vay được vốn ưu đãi. "Ngân sách TP cho vay 70% vốn, nhưng lại yêu cầu thế chấp bằng tài sản hình thành sau đầu tư, còn 30% vốn đối ứng. Điều kiện như vậy DN không biết lấy gì thế chấp để vay ngân hàng? Đi vay ngân hàng họ cũng phải xem xét dự án có hiệu quả không mới cho vay" - Ông Phan Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội phân tích.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này, đòi hỏi Sở QH - KT, TN&MT nhanh chóng thẩm định hồ sơ thiết kế, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 cũng như giải quyết dứt điểm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án. Việc làm này sẽ tạo điều kiện cho DN có tài sản thế chấp khi vay ngân hàng. Bên cạnh đó, UBND TP cần đẩy mạnh việc chỉ đạo Quỹ đầu tư phát triển, Sở KH&ĐT tháo gỡ những vướng mắc về hồ sơ dự án, thủ tục vay vốn ưu đãi, từ đó giúp DN mau chóng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.