Tuy nhiên, với tâm lý đây chỉ là xe đạp nên rất ít người chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông dẫn tới có rất nhiều các vi phạm có nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông.
Xe đạp điện trở thành "mốt"
Không thể phủ nhận việc sử dụng xe đạp điện làm phương tiện di chuyển vừa an toàn, vừa tiết kiệm. Xe đạp điện không thể đi nhanh như xe máy (tốc độ tối đa cũng chỉ khoảng 20km/giờ) nên nhiều người cho rằng an toàn hơn xe máy.
Đặc biệt là đi xe đạp điện giúp người sử dụng phương tiện tiết kiệm được khoản ngân sách không nhỏ vì không phải đổ xăng mà chỉ cần nạp đầy ắc quy là có thể di chuyển cả ngày.
Mặc dù đã được tuyên truyền nhắc nhở, nhưng nhiều học sinh vẫn không đội MBH khi đi xe đạp điện. Ảnh: Công Trình
Với những tiện lợi trên, cộng với việc điều khiển xe không cần có bằng lái nên xe đạp điện đang được nhiều người dân, nhất là các em học sinh sử dụng hàng ngày. Ông Lê Hoài Giang hiện có con học trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) cho biết, trước đây, dù biết là phạm Luật Giao thông nhưng do nhà xa nên gia đình vẫn giao xe máy cho con trai đi đến trường.
Tuy nhiên, mỗi lần con đi xe ra đường gia đình rất lo CSGT xử phạt vì cháu chưa đủ tuổi cấp Giấy phép lái xe. Khi bắt đầu có xe đạp điện, gia đình tôi đã quyết định đầu tư cho cháu một chiếc vừa bảo đảm sức khỏe cho con đi học, đồng thời không bị xử phạt.
Không chỉ gia đình ông Giang mà hiện rất nhiều gia đình đã mua xe đạp điện cho con em đi học.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại số một số tuyến đường như Nguyên Hồng, Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã… và các tuyến đường xung quanh các trường học không khó để bắt gặp hình ảnh những học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện phóng vù vù trên đường.
Không chỉ phóng nhanh, hầu hết người điều khiển loại phương tiện này còn không đội mũ bảo hiểm. Thậm chí, nhiều xe còn chở đến ba người lạng lách, vượt đèn đỏ, đánh võng trên đường.
Đừng coi xe đạp điện là… xe đạp
Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, ngày 11/3, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hà Nội đã ra quân xử lý các trường hợp người điều khiển xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông.
Có mặt tại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh trong khoảng 30 phút chúng tôi đã ghi nhận có hơn chục trường hợp vi phạm bị xử lý. Hầu hết, các lỗi mà người điều khiển xe đạp điện mắc phải là không đội mũ bảo hiểm (MBH)…
Mặc dù, trước đó (từ ngày 6 - 9/3) Phòng CSGT đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người điều khiển xe đạp điện về việc chấp hành Luật Giao thông nhưng trong ngày đầu ra quân vẫn có rất nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi bị CSGT lập biên bản, xử lý.
Điều đáng nói, nhiều người có mang theo MBH nhưng không chịu đội. Điển hình như trường hợp của em Lý Hà Anh, học sinh lớp 11A6, trường Phan Đình Phùng, mặc dù có mang theo MBH nhưng lại để trên giỏ xe. Trung úy Vũ Đức Nam, Đội CSGT số 2 cho biết, hiện tại, các loại xe đạp điện, xe đạp máy đang được cơ quan chức năng khuyến khích sử dụng vì góp phần đảm bảo môi trường.
Tuy nhiên, hiện việc quản lý xe đạp điện còn chưa thống nhất, chưa có số liệu đánh giá cụ thể về chất lượng của loại xe này... Trong ngày đầu ra quân, đối tượng bị xử phạt chủ yếu là học sinh với các lỗi vi phạm chủ yếu như không đội MBH, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu…
Theo Trung úy Nam, các loại xe đạp điện hiện nay có tốc độ trung bình khoảng 20km/giờ, tuy nhiên nếu người điều khiển không chấp hành Luật Giao thông, đội MBH khi đi xe khi xảy ra va chạm giao thông vẫn có thể gây chấn thương nặng, thậm chí dẫn đến chết người. Do vậy, người sử dụng loại xe này cần nâng cao ý thức nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không nên coi xe đạp điện chỉ là… xe đạp.
Để bảo đảm TTATGT trên địa bàn Hà Nội, từ ngày 11/3, Phòng CSGT Công an TP đã tổ chức ra quân thực hiện chuyên đề xử lý xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông. Trong ngày đầu, lực lượng CSGT các quận nội thành đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 87 trường hợp người điều khiển xe đạp điện vi phạm. |