Nhân dân lo lắng
Theo báo cáo của các ngành, việc thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội đã được các cơ quan tư pháp cơ bản hoàn thành. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, công tác phòng chống tội phạm đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt 76,6%, án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90%, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết 37. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn. Nổi lên là các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá, tăng cường liên kết nhằm hình thành, công khai hóa tổ chức chính trị đối lập ở trong nước, triệt để lợi dụng internet để tuyên truyền các luận điểm thù địch, xuyên tạc chia rẽ nội bộ, gây mâu thuẫn; tài trợ cho một số đối tượng chống đối ở trong nước lợi dụng dân tộc, tôn giáo và những vấn đề bức xúc xã hội để lôi kéo kích động, tụ tập đông người, gây phức tạp về ANTT, nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang báo cáo Quốc hội về kết quả phòng chống tội phạm.
|
Báo cáo cũng đánh giá một số tội phạm xâm phạm trật tự xã hội giảm so với năm 2012 như tội phạm giết người giảm 4,32%, cướp tài sản giảm 12,51%, chống người thi hành công vụ giảm 9,93%... Tuy nhiên, tính chất của tội phạm lại nghiêm trọng hơn, nhất là hoạt động của các băng, nhóm tội phạm dưới dạng bảo kê, xiết nợ thuê, cho vay nặng lãi, tổ chức các loại cờ bạc, cá độ bóng đá. Nhiều đối tượng manh động, liều lĩnh sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng, gây lo lắng trong nhân dân. Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm 86% trong các vụ án giết người. Nguyên nhân chủ yếu do các mâu thuẫn bột phát, tức thời trong gia đình, trong quan hệ xã hội.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ Công an đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp với các bộ, ngành về công tác bảo đảm an ninh trật tự, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức nắm chắc tình hình tội phạm ở các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm để lập kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh. Bên cạnh đó, tập trung phát hiện, điều tra xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội, triệt xóa các tụ điểm phạm tội...
Mạnh tay với tội phạm tham nhũng
Đánh giá của Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao đều cho thấy, công tác phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Nhiều vụ án tồn đọng kéo dài đã được giải quyết dứt điểm. Một số vụ án nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được phát hiện, điều tra kịp thời. Điển hình là các vụ vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Nam Hà Nội, gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng; khởi tố 26 bị can, trong đó có 2 bị can nguyên là Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc của Ngân hàng NN&PTNT. Vụ vi phạm các quy định về cho vay và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) gây thiệt hại khoảng 1.800 tỷ đồng, khởi tố 14 bị can. Vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính 2 (Ngân hàng NN& PTNT) đã mở rộng điều tra khởi tố 8 bị can về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bộ Công an cũng đã tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đề nghị truy tố vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm 23 bị can; vụ Nguyễn Đức Kiên lừa đảo kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng gồm 8 bị can; vụ tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam gồm 4 bị can và vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài gồm 7 bị can; các vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản... Liên ngành Tư pháp T.Ư đã thống nhất đưa ra xét xử các vụ án trên trong quý IV/2013.
Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, tiến độ điều tra một số vụ án tham nhũng còn chậm, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của kiểm sát viên ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Cũng theo ông Bình, số bản án bị sửa, hủy do sai sót trong đánh giá chứng cứ vẫn xảy ra, một số chỉ tiêu thi hành án hình sự, dân sự chưa đạt yêu cầu Nghị quyết số 37, vì vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ hơn của các cơ quan tư pháp.