Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều vướng mắc trong quy trình đưa người nghiện đi cai tập trung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Quốc hội đã đồng ý cho phép thí điểm lập trung tâm tiếp nhận người nghiện ma túy để cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý trong khi chờ lập hồ sơ ban hành quyết định của tòa án đưa vào cai nghiện tập trung.

Nhiều vướng mắc trong quy trình đưa người nghiện đi cai tập trung - Ảnh 1
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Kim Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH Hà Nội) xung quanh những vướng mắc hiện nay trong quy trình đưa người nghiện đi cai tập trung.

Xin ông cho biết tình hình công tác cai nghiện trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay, đặc biệt là vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện sau cai?

- Tính đến tháng 9/2014, Hà Nội quản lý hơn 16.000 hồ sơ người nghiện. Trong đó, khoảng 6.800 người ở các trung tâm; 2.500 người ở các trường, trại; 6.500 người ở tại cộng đồng và trên 1.000 người nghiện lang thang. Về công tác cai nghiện bắt buộc, 9 tháng năm 2014, các trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội của Hà Nội đã tiếp nhận và cai nghiện cho 405 người. Trong đó cai nghiện bắt buộc cho 163 người, chỉ đạt 8,3% kế hoạch năm, giảm hơn 2.100 người so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài ra còn có 4.713 người sau cai nghiện. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi luôn chú trọng công tác quản lý sau cai. Từ năm 2011 đến nay, TP đã hỗ trợ dạy nghề, vay vốn cho 792 người, trong đó có 590 người được tạo việc làm, 70 người được vay vốn với số tiền 220 triệu đồng. Người sau cai nghiện thường xuyên được quan tâm, giúp đỡ hòa nhập cộng đồng và chống tái nghiện. 

Nguyên nhân nào khiến người được cai nghiện bắt buộc thấp như vậy? Và việc Quốc hội đồng ý với chủ trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ tạo điều kiện như thế nào đối với công tác này, thưa ông?
- Nguyên nhân do việc cai nghiện bắt buộc hiện nay được thực hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 221/2013/NĐ-CP. Từ khi triển khai theo quy định mới, việc lập hồ sơ đi cai nghiện vô cùng khó khăn. Nghị định 221 quy định thời gian cai nghiện bắt buộc do tòa xử là từ 12 - 24 tháng. Nhưng chưa có văn bản nào quy định khung 12 tháng dành cho đối tượng nào và khung 24 tháng dành cho ai. Thêm nữa, theo quy định hiện nay, người nghiện phải khai báo với phường, xã và đăng ký hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hay đi cai tự nguyện. Nhưng cả trăm người thì cũng chẳng có ai đi khai báo.

 
Học viên cai nghiện tại một trung tâm bắt buộc. 	Ảnh: Khánh Nguyên
Học viên cai nghiện tại một trung tâm bắt buộc. Ảnh: Khánh Nguyên
Qua tổng kết, chúng tôi nhận thấy, để lập hồ sơ một đối tượng đi cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221 tối thiểu mất 7,5 tháng. Như vậy là quá lâu. Trong khi đó, nghiện ma túy là một bệnh, lẽ ra, khi phát hiện bệnh, đi cai nghiện tập trung càng sớm càng hiệu quả thì chúng ta lại đi theo quy trình ngược lại là kéo dài thời gian tổ chức cai nghiện tập trung. Vậy nên, việc Quốc hội đồng ý với chủ trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ là cơ sở để Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh, cụ thể hóa một số quy định trong Nghị định 221. 

Theo ông, bên cạnh việc khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quy trình lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai tập trung, còn phải làm gì để công tác cai nghiện đạt hiệu quả cao hơn?

- Qua khảo sát, đa số người sau cai nghiện muốn được vay vốn để làm ăn, nhưng do ngân sách ít, không đủ đáp ứng nhu cầu, lại thêm thủ tục thanh toán rườm rà, nên người nghiện sau cai thường có tâm lý e ngại, ít tiếp cận với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, mức hỗ trợ dạy nghề cho mỗi đối tượng chỉ được 1 triệu đồng cả khóa học nên các trung tâm chủ yếu mới ở mức độ truyền nghề, đó là chưa kể một số nghề không phù hợp với nhu cầu của đối tượng. Đào tạo như vậy khó có thể giúp họ có một nghề ổn định. Do vậy, các cấp cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề đầu tư ngân sách. Mặt khác, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn tâm lý e ngại, thậm chí không muốn nhận lao động là người nghiện sau cai. Vì thế, cần sớm có cơ chế vận động các đơn vị này thay đổi quan niệm…

Xin cảm ơn ông!