TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu an sinh xã hội và phát triển hòa nhập thẳng thắn bày tỏ quan điểm khi chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
Không thể tăng ngayBộ LĐTB&XH đang xây dựng dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó có hướng tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án nam từ 60 lên 62, nữ từ 55 lên 58. Ông có ý kiến gì về việc này?- Nếu nhìn vào con số do Bộ LĐTB&XH đưa ra, chúng ta không thể đánh giá được tốt hay xấu, tối ưu hay chưa; mà phải trên cơ sở phân tích 4 yếu tố tác động đến tăng tuổi nghỉ hưu cả tích cực lẫn tiêu cực. Thứ nhất, sự phát triển của nền kinh tế, cụ thể là tốc độ tăng trưởng việc làm đảm bảo lớn hơn tốc độ tăng lực lượng lao động, thì tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng. Thứ hai là kinh tế bảo hiểm, liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH). Với mô hình BHXH hiện nay chắc chắn dẫn đến nguy cơ mất cân đối trong thời gian dài. Khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất cũng là yếu tố rất quan trọng quyết định kéo dài tuổi nghỉ hưu hay không và áp dụng với tất cả hay một số đối tượng. Thứ ba, vấn đề già hóa dân số. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73, nếu nghỉ hưu sớm quá là lãng phí. Thứ tư, bình đẳng giới giữa nam và nữ về tuổi nghỉ hưu. Việt Nam có những yếu tố ủng hộ kéo dài tuổi nghỉ hưu như đảm bảo cân đối quỹ BHXH, già hóa dân số, bình đẳng giới. Nhưng tăng trưởng kinh tế - nhiều nước coi là quan trọng nhất – đang ở mức thấp chưa thu hút hết được NLĐ, nếu tăng tuổi làm việc thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao.
Như vậy, Việt Nam chưa đủ điều kiện tăng tuổi nghỉ hưu?- Chúng ta nên theo xu hướng chung của các nước là kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhưng phải có phương án và lộ trình cụ thể tối ưu nhất, trên cơ sở phân tích các yếu tố trên. Tôi thấy Bộ LĐTB&XH, BHXH Việt Nam cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu để không vỡ quỹ, sử dụng hiệu quả năng suất lao động là cách nhìn phiến diện, mà cần phải có điều tra, khảo sát, phân tích có định lượng, nghiên cứu mới xác định được. Nhất là phân tích kỹ các yếu tố tác động đến tuổi nghỉ hưu trên đây mới đưa ra được phương án khả thi.Tôi thấy phương án của Bộ LĐTB&XH đưa ra từ nay đến năm 2020 rất khó thực hiện. Nhưng Việt Nam cũng nên xây dựng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 - 2025 là 58 đối với nữ, 62 với nam; từ năm 2030 trở đi, nam về hưu ở tuổi 63, nữ 60 và chỉ áp dụng cho một số loại lao động. Ví dụ, trong khu vực hành chính nhà nước, công chức là lao động sáng tạo, làm quản lý, trách nhiệm rất cao; khu vực sự nghiệp công có nhóm lao động trình độ cao. Hay trong các loại hình DN, đội ngũ CEO được đào tạo bài bản, quản lý bậc cao, công nhân kỹ thuật, lao động lành nghề. Đối với những người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục của Bộ LĐTB&XH và Bộ Y tế quy định không thể kéo dài thời gian làm việc.Giải bài toán kinh tếTăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp nền kinh tế phát triển như thế nào, thưa ông?- Việt Nam là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, nhưng ở trình độ thấp. Có tới 50% tăng trưởng kinh tế là do vốn, yếu tố công nghệ và lao động trình độ cao chiếm tỷ lệ rất thấp, lần lượt là 20% và 30%. Nếu chúng ta kéo dài tuổi nghỉ hưu cho lao động chất lượng cao sẽ đóng góp đến tăng trưởng kinh tế. Nó tác động đến việc sử dụng công nghệ cao trong sản xuất giúp tăng năng suất lao động, đồng thời làm giảm phần trăm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của yếu tố vốn. Nhưng, tôi nhấn mạnh, bài toán này chỉ góp một phần vào sự phát triển nguồn nhân lực trình độ cao nếu được kéo dài tuổi nghỉ hưu. Thứ nữa, tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với kéo dài thời gian đóng BHXH, làm giảm áp lực vỡ quỹ.Còn tác động tiêu cực khi tăng tuổi nghỉ hưu?- Việt Nam đang dư thừa lao động mà kéo dài tuổi làm việc, trong thời gian ngắn sẽ có một bộ phận lớn NLĐ thiếu việc làm, nhất là lực lượng lao động trẻ. Điều đó rất có thể dẫn đến nguy cơ sa vào nghiện hút, cướp giật…, làm tăng tiêu cực xã hội.Nhiều năm làm Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội của Bộ LĐTB&XH, ông có lời giải cho bài toán khó này?- Trước mắt không thể giải quyết được mà phải dài hạn, liên quan đến nhiều vấn đề. Làm thế nào để tăng trưởng được việc làm trên cơ sở tăng trưởng kinh tế là bài toán lớn hiện nay. Năng suất lao động của chúng ta đang rất thấp, nên cần có các yếu tố tác động vào để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế mới cao. Chúng ta phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, tạo ra việc làm tăng thêm mới thu hút được hết lao động.Để giải quyết vấn đề lao động dư thừa, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu thì thành lập thêm nhiều DN. Ông có phản biện gì? - Hiện nay, Việt Nam có 500.000 DN trên tổng số 92 triệu dân, trung bình 184 người dân/DN. So với các nước 20 người dân/DN thì phát triển DN của chúng ta rất thấp. Không những thế, lao động Việt Nam chủ yếu làm việc ở khu vực phi kết cấu và nông thôn, năng suất thấp, thu nhập không đủ sống. Vì thế, kéo dài tuổi nghỉ hưu chưa chắc đồng nghĩa với DN mới được mở, bởi nó phụ thuộc vào những yếu tố khác. Nhưng theo đề án phát triển DN của Bộ KH&ĐT, đến năm 2035, cả nước có 1 - 1,5 triệu DN, khi đó tỷ lệ người dân/DN giảm xuống hơn 90 sẽ thu hút việc làm khá hơn. Nhưng đó là vấn đề dài hạn.Trước mắt, làm sao giải quyết được số lao động trẻ có trình độ cao dư thừa?- Họ cần được đào tạo lại và chuyển đổi nghề. Hiện nay, đã có một số người chấp nhận đi học nghề, thậm chí cất bằng đại học để xin đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Những người giỏi có thể tham gia vào thị trường lao động thế giới, khu vực trong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Các chương trình mục tiêu quốc gia và dạy nghề, an toàn lao động, việc làm giai đoạn 2016 – 2020 cũng có thể ưu tiên cho lực lượng lao động này.Ông có thấy mâu thuẫn khi Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, trong khi Nhà nước tinh giản biên chế?- Nếu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu được thực hiện từ năm 2020 và kéo dài với từng loại lao động sẽ không tác động đến tinh giản biên chế. Bởi, Bộ Nội vụ đưa ra kế hoạch giảm người lao động làm công ăn lương từ nay đến năm 2020. Trong bộ máy hành chính Nhà nước và sự nghiệp công, những ai không đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ bị ra ngoài, không kể người trẻ hay độ tuổi được kéo dài. Điều chúng ta lo là cái tức thời, mất cơ hội việc làm của giới trẻ.Xin cảm ơn ông!
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: 3 vấn đề mấu chốt Có 3 vấn đề mấu chốt mà chúng ta quyết định tăng tuổi nghỉ hưu. Đầu tiên, căn cứ vào sức khỏe của NLĐ. Tuổi thọ của người Việt Nam nâng lên 73 nhưng vẫn thấp so với các nước. Thứ hai, căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Cuối cùng chính là quan hệ giữa cung lao động và cầu sử dụng lao động. Nâng tuổi nghỉ hưu, học sinh, sinh viên ra trường làm ở đâu? Câu chuyện này phải tính toán.Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân: Tăng có lộ trình Phương án tăng tuổi nghỉ hưu mà chúng tôi đề xuất có lộ trình và tăng dần. Nếu năm 2017, Quốc hội thông qua, chúng ta sẽ thực hiện từ năm 2020 để còn có quá trình chuẩn bị tâm lý, đánh giá về việc làm, thị trường lao động, sức khỏe, năng suất lao động. Chúng ta không tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt, những ngành nghề có điều kiện nhẹ nhàng sẽ thực hiện trước. Chính sách này không hạn chế việc làm, điều quan trọng là đào tạo có đáp ứng được nhu cầu thị trường. |