“Nhìn người dân Hà Nội ùn ùn ra đường, tôi lặng người đi, muốn gục ngã”

BS Vũ Mạnh Cường (TT HSTC người bệnh Covid-19, BV Bạch Mai tại TP HCM)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngắm những hình ảnh người dân Thủ đô ùn ùn đổ ra đường vui Trung thu, lòng tôi nghẹn lại, giọt nước mắt đã lăn trên má. Tôi thấy tủi thân cho hơn chục nghìn nhân viên y tế chúng tôi vào Sài Gòn chống dịch suốt 2 tháng qua.

Ngày 20/9 có 1 dấu mốc quan trọng với chúng tôi – những bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, BV Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh, là đơn vị chính thức thực hiện thủ thuật mở khí quản trên bệnh nhân Covid thở máy kéo dài. Đó là những lỗ lực cuối cùng níu kéo bệnh nhân ở lại trên thế giới này. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu phẫu thuật thực hiện trong điều kiện bình thường nhưng trong bệnh viện dã chiến này còn thiếu thốn nhiều thứ và nguy cơ lây nhiễm cao.
 Người dân Hà Nội ùn ùn đổ ra đường vui Trung thu đêm 21/9 khi Hà Nội được nới lỏng giãn cách.

Tôi đã rất vui sau khi thực hiện thành công ca đầu tiên. Vui hơn nữa là lượng bệnh nhân nặng vào điều trị đã giảm rất nhiều. Tiếp tục nhận tin vui khi số ca mắc ở Hà Nội cũng đã giảm hẳn và thực hiện chỉ thị 15 thay vì 16. Sau một thời gian quyết liệt chống dịch, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Nội bước đầu đã khống chế được dịch, không còn xuất hiện ổ dịch phức tạp trong cộng đồng. Mấy ngày qua, mỗi ngày chỉ ghi nhận vài ca mắc Covid-19, chủ yếu trong khu cách ly.

Người dân phấn khởi, vui mừng. Không vui sao được, khi một thời gian dài “ai ở đâu ở yên đấy” để chống dịch, Thủ đô đã nới lỏng giãn cách. Đường phố, hàng quán bắt đầu nhộn nhịp, các cơ sở sẵn sàng vào guồng sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”. Cô, trò cũng háo hức mong chờ ngày được đến trường sau một thời gian dài online…
Nhưng, thực tế, dẫu vừa qua Hà Nội triển khai chiến dịch xét nghiệm diện rộng trên toàn TP, vẫn không thể “quét sạch F0”. Số ca mắc ngoài cộng đồng chưa thể tìm ra hết, chỉ một vài ca mắc có thể lại bùng lên những ổ dịch mới. Vì vậy, dù nới giãn cách, bỏ giấy đi đường, nhưng người dân tuyệt đối không nên chủ quan, thực hiện 5K vẫn là biện pháp hiệu quả.
 Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc BV Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh đang ngày đêm nỗ lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Hãy nhìn đợt dịch bùng lên vừa qua, chỉ sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, người dân đổ xô đi du lịch khắp nơi nơi, bãi biển kín người, lễ hội đông đúc… và hậu quả là đợt dịch lần thứ 4 bùng lên. Cho đến nay, mỗi ngày vẫn trên dưới 10.000 ca nhiễm, hơn 200 ca tử vong... Hãy nhìn vào bài học ở Ấn Độ để không đi vào vết xe đổ của họ.

Hà Nội phát tín hiệu vui khi ngày 21/9 được nới lỏng giãn cách, khi dịch bước đầu được kiểm soát, nhưng ngay tối cùng ngày, tôi nhận được hình ảnh của bạn bè ngoài Hà Nội gửi cho về đêm Trung thu rất nhộn nhịp. Từng dòng người ken đặc phố xá, cả người lớn và trẻ con nô nức đổ ra đường vui chơi. Ngắm những hình ảnh này, lòng tôi nghẹn lại, giọt nước mắt đã lăn trên má. Tôi thấy tủi thân cho hơn chục nghìn nhân viên y tế chúng tôi vào Sài Gòn chống dịch suốt 2 tháng qua. Tất cả đều nỗ lực, dù khó khăn, gian khổ, áp lực và đầy rẫy nguy cơ lây nhiễm, chẳng ai dám kêu ca, phàn nàn. Tất cả đều chung một mong muốn, một niềm tin, là sớm kết thúc dịch bệnh để chúng tôi được về nhà. Về nhà – với các bạn, đó là điều vô cùng bình thường, ai đi đâu rồi tối ngày cũng được về nhà. Nhưng với chúng tôi, đó là nỗi khát khao vô cùng tận. Chúng tôi thèm giây phút được đoàn tụ cùng gia đình, để ôm con vào lòng, để an ủi vợ, để động viên người thân… “Về nhà” là điều thiêng liêng với bất cứ ai và cả chúng tôi, nhưng chúng tôi chưa có được hạnh phúc đó trong 2 tháng qua, với hàng trăm, hàng nghìn nhân viên y tế khác, có người cả năm chưa được về nhà vì bận đi chống dịch. Có những người mẹ mất, bố ốm, con nằm viện… cũng chưa được về nhà, thưa các bạn!

Khó khăn không làm chúng tôi chùn bước nhưng cách người ta đối xử với nhau đã làm tôi gục ngã. Các bạn đã coi thường chính sức khỏe, tính mạng của mình và sự an nguy của cả cộng đồng. Tôi thất vọng về ý thức của những người bất chấp dịch bệnh, đổ ra đường tụ tập chỉ để thỏa mãn thú vui của mình.

Nhiều người vin vào chủ trương “sống chung với đại dịch” để biện minh cho việc đổ ra đường chơi Trung thu. Nhưng muốn “sống chung” an toàn với Covid thì phải tuân thủ 5K, tuyệt đối không phải sống chung là cùng nhau ùa ra đường bất chấp mối nguy như vậy. Tất cả như đang thách thức thành quả chống dịch của Thủ đô.

Ngắm nhìn hình ảnh ấy, tôi lặng người đi, không biết đến bao giờ, chúng tôi được trở về Thủ đô an toàn, được trở về nhà mình, mà không phải là những đêm dài trực chiến đối mặt với bệnh nhân bên bờ sinh – tử cùng Covid trong bệnh viện?