Nhìn từ gương mặt được xướng tên trong kỳ Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XIX có thể hy vọng về một luồng sinh khí mới cho điện ảnh nước nhà.
Bất ngờ và tranh cãi
Trong hạng mục trao giải, rất nhiều thể loại phim được trao như tài liệu, khoa học, thiếu nhi… Thế nhưng, những hạng mục giải thưởng dành cho phim truyện điện ảnh luôn được chú ý hơn cả. Khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, được xướng tên giành Bông sen vàng kỳ LHP vừa qua không quá nhiều người bất ngờ. Bởi vì, trước đó bộ phim của vị đạo diễn Việt kiều này đã nổi đình, nổi đám trên các phương tiện truyền thông, trụ rạp thời gian dài và luôn trong tình trạng “cháy vé”. Theo thông tin từ nhà sản xuất Đinh Thanh Hương, tại những buổi chiếu trong khuôn khổ LHP, Ban tổ chức luôn phải kê thêm ghế phụ cho khán giả. Đứng trên bục vinh dự nhất của kỳ LHP lần này, Victor Vũ bày tỏ: “Đây là dự án phim đặc biệt và có ý nghĩa với tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, không biết về Việt Nam ở thập niên 1980. Nhưng bộ phim đã giúp tôi hiểu về văn hóa và con người Việt Nam”. Cùng với Bông sen vàng của phim truyện điện ảnh, ekip làm phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” còn rinh về 3 giải phụ như: Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất và phim hay nhất do khán giả bình chọn.
Nếu như hạng mục Bông sen vàng dành cho phim truyện điện ảnh khiến khán giả thỏa mãn thì giải thưởng Nam, nữ diễn viên chính xuất sắc lại gây nhiều tranh cãi. Trước lễ trao giải, theo dự đoán của giới chuyên môn và khán giả, NSND Bùi Bài Bình đóng vai Bác Hồ trong “Người tiên tri” và Lã Thanh Huyền trong phim “Người trở về” là những gương mặt xứng danh. Song, kết quả cuối cùng giải Nữ diễn viên xuất sắc thuộc về nghệ sĩ Đỗ Thúy Hằng; Nam diễn viên xuất sắc thuộc về Trung Anh trong hai phim “Cuộc đời của Yến” và “Những đứa con của làng”. Theo ý kiến số đông, cả 2 bộ phim này đều không được đánh giá cao và diễn xuất của nữ diễn viên Thúy Hằng trong “Cuộc đời của Yến” cũng chưa hoàn toàn thuyết phục khán giả nếu so với Lã Thanh Huyền. Vai diễn của Trung Anh trong phim “Những đứa con của làng” cũng khá mờ nhạt, chưa thật sự toát lên được thần thái của nhân vật.
Dấu ấn của giới trẻ
Trước khi đến với thảm đỏ LHP, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã hào hứng khoe với mọi người về sự hiện diện của các tác giả trẻ tại kỳ LHP lần này. “Tôi không còn nhớ mình đã tham dự bao kỳ LHP trong 19 lần tổ chức. Tôi chỉ nhớ mình lăn lộn hết Hà Nội, Nam Định, Phú Quốc… cùng các sự kiện. Tuy nhiên, đến với kỳ LHP năm 2015 tôi thấy mình hồ hởi hơn rất nhiều vì chứng kiến sự hiện diện của rất nhiều gương mặt đạo diễn, nhà biên kịch, diễn viên trẻ… Họ cho lớp “già” như tôi có niềm tin vào nền điện ảnh Việt Nam nay mai sẽ tỏa sáng” – bà Trịnh Thanh Nhã nhấn mạnh. Những bộ phim ấn tượng như: “Em là bà nội của anh”, “Cuộc đời của Yến”… đều được các nhà sản xuất tin tưởng giao cho thế hệ đạo diễn 8x là Phan Nhật Linh, Đinh Tuấn Vũ. Họ đã không làm thất vọng các đơn vị bỏ tiền thuê mình làm phim. Ngoài ra, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng sở hữu một dàn diễn viên 9x. Để chứng tỏ sự tin tưởng cách nhìn của lớp trẻ, năm nay, Ban tổ chức LHP đã chọn Vân Trang (sinh năm 1990) đứng cùng lớp nghệ sĩ “lão làng” trong vai trò “cầm cân nảy mực” của các giải thưởng.
“Đến hẹn lại lên”, hai năm một lần những người làm điện ảnh lại nô nức đón chào ngày hội của ngành. Mới hai năm qua đi, nhưng điện ảnh đã có một bước tiến dài. Bước tiến đó không chỉ ở hình thức thể hiện đã có phần văn minh trong hai buổi khai mạc và bế mạc LHP, hay ở không gian sân khấu thiết kế đậm chất điện ảnh; mà nằm ở những bộ phim đáng để xem. Bắt đầu từ kỳ LHP này, khán giả hy vọng bộ môn nghệ thuật thứ 7 của Việt Nam sẽ khởi sắc, không còn ì ạch tìm đường dung hòa khán giả và nghệ thuật như thời gian vừa qua.
Niềm vui của các thành viên nhí Đoàn làm phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sau khi nhận giải thưởng Bông sen vàng.
|