Mong muốn của những người tổ chức là làm cầu nối giữa nông dân với các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp (DN). Qua đó, giúp nông dân hiểu rõ hơn về cơ chế chính sách, tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mới cũng như tìm kiếm sự hợp tác với các DN trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhu cầu tìm hiểu của nông dân ngày càng caoTrong một chương trình “Nhịp cầu nhà nông” tại huyện Thạch Thất mới đây đã thu hút hàng trăm nông dân đến tham dự. Hội thảo với sự tham gia trong Ban cố vấn chương trình gồm các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y. Đó là GS.TS Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, PGS.TS Lê Văn Năm – Phó Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam, TS Ngô Vĩnh Viễn - nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật và cán bộ các Trung tâm, viện cây trồng, rau quả, thủy sản… |
Mô hình trồng cam Canh tại xã Kim An, huyện Thanh Oai. Ảnh: Đàm Quân |
Hội thảo trở thành một diễn đàn hết sức sôi nổi, bổ ích cho những chủ các trang trại các khu chăn nuôi trên địa bàn. Trong 4 tiếng buổi sáng làm việc liên tục không nghỉ giải lao, Ban cố vấn chương trình đã giải đáp trực tiếp gần 80 câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, cách sử dụng phân bón hiệu quả nhất. Thế nhưng cho đến gần 12 giờ khi phải đứng dậy ra về nhiều nông dân vẫn chần chừ, tiếc nuối vì còn nhiều điều muốn được giải đáp mà không kịp. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc, nhu cầu của người dân tìm hiểu về các kiến thức ngành nông nghiệp rất lớn. Ngay tại các hội thảo, các chuyên gia, DN, nhà quản lý thường mới chỉ trả lời được khoảng hơn một nửa đến hai phần ba số câu hỏi của người dân nêu lên. Chính vì vậy, dù kế hoạch của Sở NN&PTNT Hà Nội giao Trung tâm Khuyến nông tổ chức 20 chương trình “Nhịp cầu nhà nông” trong năm 2016 đã phải điều chỉnh tăng lên gấp đôi để đáp ứng nhu cầu của người dân.Doanh nghiệp cùng chung tayPhó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, là vùng ngoại thành có địa hình được phân chia thành vùng núi, bán sơn địa và đồng bằng là điều kiện rất tốt để huyện phát triển nông nghiệp đa dạng sinh học. Hiện tại, Thạch Thất có 2.800ha diện tích gieo trồng hoa, rau màu và hơn 9.500ha gieo cấy lúa. Trên địa bàn huyện có 179 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong số này có trang trại nuôi lợn rừng với số lượng 10.000 con.Trước thắc mắc của người dân về việc hiện nay có quá nhiều sản phẩm phân bón bán trên thị trường vậy làm thế nào để phân biệt chất lượng? Hoặc màu sắc các loại phân bón có liên quan gì đến chất lượng? Tổng Giám đốc Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển Hoàng Văn Tại đã đăng đàn trả lời. Theo ông Hoàng Văn Tại, hiện tượng “loạn phân bón” trên thị trường làm người dân “không biết đâu mà lần” là có thật. Bởi các cơ sở sản xuất phân bón được cấp phép trên toàn quốc là khoảng 1.000 cơ sở, nhưng trên thực tế thị trường có tới hơn 2.000 loại phân bón. Điều này dẫn đến việc người nông dân rất khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả bởi bao bì, nhãn mác được in, đóng rất đẹp, bắt mắt. Ông Tại cho rằng, để người dân không mua phải loại phân kém chất lượng, cách tốt nhất là phải tìm đến các hãng lớn, nổi tiếng, có uy tín mua của các đại lý cấp một. Mặt khác cần lưu ý đến hàm lượng dinh dưỡng được ghi trên bao bì để lựa chọn loại phân phù hợp nhu cầu chăm bón vì mỗi hãng có nhiều sản phẩm khác nhau nên có màu sắc khác nhau. Nhưng, quan trọng nhất là hàm lượng dinh dưỡng tạo nên chất lượng của loại phân bón đó…Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc, điều ông tâm đắc là những kiến thức người dân mong muốn tiếp cận rất đa dạng, thời sự và sát với cuộc sống không chỉ chuyện con gà, con vịt. Ngoài việc muốn nắm vững cơ chế chính sách về đất đai để có chiến lược đầu tư hiệu quả thì người dân cũng rất muốn tiếp cận với những kiến thức khoa học tiên tiến nhất, mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, phân bón… Đây cũng là cơ sở để nông nghiệp Hà Nội hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, an toàn, bền vững.