Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhọc nhằn chuyến bay nội địa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã yêu cầu JPA báo cáo tình trạng chậm, huỷ chuyến. Do máy bay đang bảo dưỡng và trục trặc kỹ thuật, theo ông Cường, nên JPA đã phải giảm tần suất bay,

KTĐT - Vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã yêu cầu JPA báo cáo tình trạng chậm, huỷ chuyến. Do máy bay đang bảo dưỡng và trục trặc kỹ thuật, theo ông Cường, nên JPA đã phải giảm tần suất bay, cắt giảm việc mở bán vé theo đúng năng lực mà tàu bay có thể chuyên chở.

Hành khách đi lại bằng máy bay dịp Tết sẽ có nguy cơ tiếp tục đối mặt việc chậm, huỷ chuyến bởi máy bay Jetstar Pacific trục trặc. Cơ hội chuyển sang bay với Vietnam Airlines cũng không còn nhiều khi nhiều chặng bay nội địa đã thông báo hết vé từ lâu.

Bay chưa đến 2 tiếng, phải chờ... 26 tiếng

Qua đường dây nóng, hành khách Nguyễn Thị Hiền cho biết, chị đã phải xin nghỉ làm do máy bay của hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (JPA) vẫn chưa hết chậm chuyến.

Chị kể, chị mua vé bay chuyến BL 804 từ Sài Gòn ra Hà Nội lúc 19h05 ngày 3/1 thì đến 21h ngày trước đó (2/1) nhận được tin báo hoãn của hãng. Đổi lại, khách sẽ bay chuyến BL 794, khởi hành hồi 10h45 ngày 4/1. Tuy nhiên, 7h30 sáng 4/1, khi chị chuẩn bị ra máy bay lại nhận được tin nhắn là bay chậm, lùi đến tận 21h45 cùng ngày.

"Tôi đã buộc phải xin nghỉ làm buổi sáng vì nghĩ rằng chiều 4/1 có thể đi làm kịp, nhưng đến thời điểm này thì chắc chắn không đi làm được rồi", chị Hiền bức xúc vì đây không phải là lần đầu tiên bị trễ máy bay như thế này.

Thống kê từ Cảng vụ sân bay Nội Bài, trong các ngày 3-4/1/2010, tình trạng chậm, huỷ chuyến của JPA tuy đã bớt so với trước đó nhưng vẫn chưa chấm dứt, khiến khoảng 600 hành khách bị ảnh hưởng.

Điển hình, trong ngày 3/1 có một chuyến bị chậm. Ngày 4/1 có 5 chuyến bị chậm, trong đó 4 chuyến do tàu bay từ Sài Gòn bay ra chậm trễ và 1 chuyến do tàu bay trục trặc kỹ thuật.

Một cán bộ của JPA thông báo, hôm (5/1), một chiếc máy bay A320 bảo dưỡng tại Singapore đã xong và trở về Việt Nam để kịp khai thác. Với đội bay 5 chiếc hiện có, dự kiến một chiếc thuê thêm sẽ về trong tháng 1. Khi đó, hy vọng hành khách mới bớt phải vật vạ chờ máy bay cất cánh.

Trao đổi với PV, ông Võ Huy Cường, Trưởng ban Vận tải - Cục Hàng không Việt Nam, cho biết, JPA trực tiếp kinh doanh thì phải đối diện với các khiếu nại của hành khách và giải quyết các khiếu nại này, trước hết là vì lợi ích của hãng. Khi đó, tự thân hãng phải đảm bảo năng lực khai thác và đáp ứng yêu cầu của khách.

Vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã yêu cầu JPA báo cáo tình trạng chậm, huỷ chuyến. Do máy bay đang bảo dưỡng và trục trặc kỹ thuật, theo ông Cường, nên JPA đã phải giảm tần suất bay, cắt giảm việc mở bán vé theo đúng năng lực mà tàu bay có thể chuyên chở.

Hãng cũng phải có trách nhiệm chăm sóc khách hàng theo đúng quy định tại Điều 145 Luật Hàng không Dân dụng, Quyết định số 10 và Thông tư 26 của Bộ GTVT. Cục Hàng không sẽ kiểm tra và giám sát việc thực hiện.

Bay hãng khác, chấp nhận giá cao

Nếu hành khách bất bình vì JPA chậm, huỷ chuyến muốn chuyển qua bay Vietnam Airlines trong dịp Tết thì cơ hội cũng không còn nhiều. Đơn giản, lượng khách đi lại dịp Tết tăng khoảng 20% so với ngày thường, chưa kể tình trạng quá tải một chiều.
 
Chẳng hạn, đến thời điểm này, đường bay đông khách nhất là TP.HCM - Hà Nội, tuy chưa có chuyến bay nào hết chỗ nhưng sau ngày 5/2 (22 tháng chạp) chỉ còn vé thương gia với mức giá từ 3,333 triệu đồng/lượt (chưa thuế). Sau Tết, các chuyến bay Hà Nội - TP.HCM từ 19/2 (mùng 6 Tết) còn chỗ nhưng cũng chỉ còn vé thương gia.

Bản thân hãng JPA, tuy vẫn còn tình trạng chậm huỷ chuyến nhưng chỗ trên các chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội chỉ còn vé Jet Flex, giá 1,545 triệu đồng/vé từ 4/2.

Đối với các đường bay chặng ngắn, tình hình vé còn căng thẳng hơn. Vé đi từ TP.HCM ra Vinh (Nghệ An), Tam Kỳ (Quảng Nam), Đồng Hới (Quảng Bình), Tuy Hòa (Phú Yên) và Quy Nhơn (Bình Định), Huế... đã hết từ lâu, hiếm hoi lắm mới có ngày thông báo còn vé.

Nguyên nhân, khả năng tăng chuyến các tuyến bay này khó nên khách thường đặt rất sớm, không ít vé được "book" ngay từ đầu năm.

Hay đường bay TP.HCM - Đà Nẵng, vé trong các ngày 10-12/2 (27 đến 29 tháng chạp) cũng đã bán hết. Chiều ngược lại sau Tết, từ mùng 6-8 Tết, tình trạng cũng tương tự, mặc dù Vietnam Airlines đã tăng tải cung ứng lên tới 1.600-3.900 ghế/ngày/chiều, tăng 65% so với thường lệ và tăng đến 120% vào các ngày cao điểm nhất.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự trên đường bay ngắn TP.HCM - Vinh hay Đà Nẵng của JPA, thậm chí còn căng thẳng hơn khi đã hết vé từ Tết trung thu 2009.

Trong khi đó, đến thời điểm này, vẫn chưa có gì đảm bảo hàng không tư nhân Indochina Airlines sẽ kịp bay vào Tết Nguyên đán vì Cục Hàng không vẫn đang trong quá trình xem xét cấp lại lịch bay.

Cơ quan này cũng đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không nội địa báo cáo về việc chuẩn bị kế hoạch bay Tết và các phương án bảo đảm an toàn tàu bay (sửa chữa, bảo dưỡng) cách đây 3 tháng. Ngày 15/1 tới, các hãng phải báo cáo kế hoạch vận chuyển khách 2 tuần trước và 2 tuần sau Tết âm lịch 2010.