Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhọc nhằn với nhà tái định cư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện có 166 tòa chung cư tái định cư, với 13.971 căn hộ phân bố rải rác tại 36 khu, trong đó, tổng diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng một các khu chung cư tái định cư là hơn 59.000m2.

Tuy nhiên, do hạn chế trong công tác quản lý, khoản thu từ các diện tích kinh doanh dịch vụ này đang bị nợ đọng nghiêm trọng, gây lãng phí và thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Kỳ 2: Những chủ nhân bơ vơ

Bên cạnh việc "mất địa bàn" thì việc tạo lập các mối quan hệ mới để mưu sinh tại các khu tái định cư cũng gặp đầy rẫy khó khăn. Một thực tế, những hộ dân tái định cư tại Đền Lừ không được làm chủ công trình được xây dựng để dành cho họ.

Nhớ người xưa, nhớ cả nghề xưa

Tại Hà Nội, việc mấy người ở khu tái định cư Đền Lừ ngồi nhớ nhung về hàng xóm cũ nghe thật "cải lương". Nhưng không "cải lương" chút nào mà đó là "nỗi nhớ" rất thật bởi người hàng xóm nơi ở cũ là nguồn sống của những gia đình này. Quán phở "Chín - Nam Định" chân dốc Minh Khai do ông Trần Văn Chín làm chủ là quán phở nổi tiếng, thuộc thế hệ phở Nam Định đầu tiên "tiến về Hà Nội". Quán này khách đông nườm nượp. Vì thế, những hộ dân cạnh đó cũng được hưởng lợi từ sự phồn thịnh này. Ông Chín là người nhìn xa trông rộng nên hầu như thuê những người hàng xóm quanh đó phụ việc, bởi thế dẫu nước chảy ra đường có mất vệ sinh hay ồn ào xóm ngõ, cũng không ai có ý kiến hay cản trở gì.
Khi chuyển về các khu tái định cư, nhiều người bị thất nghiệp. 	Ảnh: Nam Hải
Khi chuyển về các khu tái định cư, nhiều người bị thất nghiệp. Ảnh: Nam Hải
Người thì trông xe, người thì làm phở, đến cả trẻ nhỏ sau giờ học bưng bê phở cũng có thể có tiền. Ông Nguyễn Hữu Dũng (nhà khu A2, Đền Lừ 2) kể: "Hai bố con tôi trông xe cho nhà bác Chín được trả mỗi bố con 3 triệu đồng/tháng. Vợ tôi với cô Thanh, cô Quý sát nhà tôi bây giờ rửa bát cho quán bác Chín cũng được trả từng ấy tiền. Giờ về đây coi như bọn tôi mất việc". Riêng khu này, cũng có đến hơn 10 người sống nhờ quán phở Chín - Nam Định. Khi nhường đất xây cầu, gia đình ông Chín chuyển lên đầu cầu Thăng Long tiếp tục bán phở, bỏ lại hơn chục người hàng xóm thất nghiệp "nhớ nhung" người hàng xóm cũ ở nơi tái định cư. Những người thất nghiệp ấy đành chia nhỏ những khoảng trống trong khu chung cư để bán chén nước chè, vại dưa muối, cà muối… nhưng người bán còn nhiều hơn người mua. Nó bỗng trở thành những nơi chất chứa những lời thở than, buồn chán.

Không chỉ Đền Lừ mà ở bất cứ khu chung cư tái định cư nào tại Hà Nội, mỗi buổi sáng tinh sương hay khi chiều tối lại bất thần mọc ra một cái chợ cóc họp nhanh mà tan cũng nhanh, hầu như cũng chỉ là "quân ta bán cho quân mình". Còn "can đảm" hơn là tại khu tái định cư Đồng Tàu gần đó, có hẳn chợ cóc họp cả ngày mà chủ nhân đều là những người dân tái định cư. Dù biết vi phạm nhưng chuyện dẹp bỏ hay để chợ cóc này tiếp tục hoạt động vẫn là một cân nhắc đẫm nước mắt của những người quản lý có lương tâm.

Làm khách tại nhà mình

Nhà chung cư được xây dựng theo tiêu chuẩn, tại sao lại kém chất lượng và xuống cấp nhanh như vậy? Với hàng loạt hỏng hóc nghiêm trọng tại nhiều khu tái định cư, có thể khẳng định: Những nhà quản lý, những đơn vị thi công đã hưởng lợi từ các công trình chung cư tái định cư lớn hơn mức đáng lẽ họ được hưởng. Những lợi ích này có thể nằm trong bóng tối nhưng những lợi ích có thể nhìn thấy được thì rất nhiều. Theo quy định, mỗi công trình tái định cư sẽ được trích ra 2% tổng kinh phí dành cho việc sửa chữa, tu bổ các công trình này khi xuống cấp, số tiền rất lớn này lại thường chỉ được dùng đến sau khoảng năm, bảy năm khi công trình đi vào hoạt động. Riêng tiền lãi của số tiền này (tính theo lãi suất ngân hàng) sau thời gian này đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên khi sử dụng, chi trả chỉ được tính đúng bằng số tiền 2% tổng kinh phí ban đầu ấy. Số lãi chắc hẳn "lọt" vào túi cá nhân những người trong đơn vị quản lý nhà tái định cư?

Không chỉ có vậy, việc trích một phần diện tích của những chung cư tái định cư để cho thuê làm dịch vụ cũng là việc mà các Ban quản lý (BQL) được hưởng lợi. Tại Khu chung cư tái định cư Đền Lừ 2, toàn bộ tầng 2 được dùng để BQL cho thuê với giá niêm yết rõ ràng 35.000 đồng/m2. Tầng 1 phía mặt đường cũng được BQL cho các hộ kinh doanh thuê. Và những khoản tiền sinh ra từ các dịch vụ này thì chỉ riêng BQL khu chung cư biết được nó đi đâu, vào túi ai trong suốt bao năm qua. Ước mơ nhỏ nhoi và tội nghiệp của các hộ dân tại đây, nói như ông Dương Văn An - Tổ trưởng nhà A 3 là: "Giá BQL trích một phần nhỏ từ những dịch vụ này để tổ dân phố tại đây có tiền sửa chữa những hỏng hóc nhỏ, đỡ phải bắt các hộ dân đóng tiền thì tốt biết bao?".

Các nguồn lợi từ các dịch vụ trên công trình sinh ra dành cho các hộ dân tái định cư không thuộc về những người dân tại đây. Như vậy liệu có thể tin tưởng vào vai "làm chủ" của những hộ dân tại nơi ở mới hay không? Câu hỏi này không khó trả lời nhưng để có câu trả lời rõ ràng phải cần một sự quyết liệt từ cấp liên quan. (còn nữa)