KTĐT - Trong khi các ngân hàng vẫn không thay đổi giá mua và bán USD của mình, giá loại ngoại tệ này trên thị trường tự do đã liên tục tăng từ cuối tuần trươc và nhu cầu mua USD vẫn tiếp tục tăng.
Chợ đen kỳ vọng
Sáng ngày 29/7, giá USD trên thị trường tự do tăng vọt lên mức 19.260 VND/USD. Tại Hà Nội, nhiều điểm thu đổi ngoại tệ báo giá USD bán ra ở mức 19.250-19.260 VND/USD, tăng 30-40 VND/USD so với sáng 28/7. Giá mua vào cũng được nâng lên mức 19.230-19.240 VND/USD. Như vậy, tính từ đầu tuần, giá USD đã tăng thêm 50 VND/USD.
Tỷ giá trong hệ thống ngân hàng không thay đổi, tỷ giá do Vietcombank công bố mua vào vẫn là 19.095, giá bán ra ở mức trần 19.100 đồng/USD. Việc các ngân hàng đẩy giá mua USD sát với giá bán ra và sát mức trần là lý do khiến các đại lý trên thị trường tự do vin vào để tăng giá.
Trao đổi về vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, trên thị trường tự do, sự nhạy cảm quá mức của các thành phần tham gia thị trường khiến tỷ giá tăng lên. Trong khi đó, nhu cầu mua USD được dự báo sẽ tăng trong các tháng cuối năm khi các khoản vay ngoại tệ đến thời điểm đáo hạn. Ngoài ra, việc lãi suất tiền đồng giảm, tiền USD tăng; các nhu cầu khác như mua USD kinh doanh, trả nợ đến hạn… là nhân tố tác động lên tỷ giá. Chính thực tế đó, mà tại các điểm giao dịch USD trên thị trường tự do tấp nập người mua USD và họ kỳ vọng giá USD sẽ tăng nữa trong thời gian tới.
Cung - cầu ngoại tệ chưa tới mức căng thẳng
Mặc dù đã chịu nhiều áp lực trong những tuần gần đây, nhưng thế cân bằng cung - cầu vẫn chưa bị phá vỡ, nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng chưa quá khan hiếm. Hiện giao dịch mua USD của các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn chưa gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN xác nhận họ vẫn mua được USD từ các ngân hàng, tuy nhiên, có sự khác nhau về giá khi giao dịch USD giữa các ngân hàng với các đối tượng có nhu cầu. Có nghĩa là, DN đăng ký mua ngoại tệ nếu chấp nhận giá cao thì sẽ được mua ngay, còn không thì phải chờ, chứ không như đợt sốt ngoại tệ đầu năm ngoái DN muốn mua giá cao cũng không có. Sự chênh lệch này được tính vào phí giao dịch hoặc hợp thức hóa bằng việc tính thêm vào lãi suất vốn vay nếu DN có quan hệ vay vốn tại ngân hàng.
Ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc Eximbank xác nhận, các DN xuất, nhập khẩu hiện cũng thận trọng hơn với đồng USD. “DN xuất khẩu vay ngoại tệ, mấy tuần trước sẵn sàng bán lại cho ngân hàng, nhưng nay cũng hơi dè dặt. Còn đối với các DN nhập khẩu, trước đây tỷ giá ổn định vay ngoại tệ để thanh toán các hợp đồng, giờ thấy tỷ giá có biến động nên cũng lo lắng và chuyển qua vay VND rồi mua ngoại tệ thanh toán, ngoài ra còn có một số tổ chức nước ngoài muốn chuyển lợi nhuận thành USD để đưa về nước… làm tăng nhu cầu ngoại tệ”.
Ông Phước nhận định, có thể cung - cầu ngoại tệ ở các NH có thể nơi thừa, nơi thiếu. Nhưng tổng thể cân đối cung - cầu ngoại tệ cho nền kinh tế cũng không có vấn đề gì. "Các yếu tố vĩ mô vẫn hỗ trợ cho thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định trong 6 tháng cuối năm. Cán cân vốn dồi dào sẽ bù đắp cho phần thâm hụt cán cân vãng lai, đồng thời tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tăng dự trữ ngoại hối”.