Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhu cầu nhà tái định cư tăng mạnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2013, nhu cầu nhà tái định cư của Hà Nội là 6.630 căn cho các dự án cần triển khai. Trong đó, nhiều nhất là quận Hoàng Mai, tiếp đến là các quận Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng. Dự báo nhu cầu nhà tái định cư sẽ còn tăng mạnh từ nay đến năm 2015.

Đến 2015, cần 2 triệu mét vuông nhà

Riêng quận Hoàng Mai, trong năm 2013, nhu cầu nhà tái định cư phục vụ các dự án đã lên đến 1.500 căn cho các dự án Công viên Yên Sở, đường Vành đai 2,5, đường Lĩnh Nam - Tam Trinh, đường Minh Khai - Yên Duyên - Vĩnh Tuy, dự án thoát nước…

 Quận Đống Đa, cần 1.200 căn cho dự án đường Vành đai 1 (Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu), dự án hồ Linh Quang, đường Vành đai 2 (Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở).

Quận Tây Hồ cần 1.010 căn cho dự án cầu Nhật Tân, đường Vành đai 2, đường Tô Hiệu kéo dài, đường trục vào Khu đô thị Tây Hồ Tây.

Quận Hai Bà Trưng cần 1.000 căn cho dự án Vành đai 1 (Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái), đường nối cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng, đường Thanh Nhàn, dự án thoát nước…
 
Nhu cầu nhà tái định cư tăng mạnh - Ảnh 1
 
 
Xây dựng cơ chế, chính sách mô hình mới trong đầu tư xây dựng nhà tái định cư theo hướng xã hội hóa.

Trong ảnh: Khu tái định cư B10 Nam Trung Yên. Ảnh: Thanh Hải
 

Nhu cầu nhà tái định cư của TP được dự báo sẽ tăng mạnh từ nay đến năm 2015, với tổng số 25.000 căn, tương đương 2 triệu mét vuông sàn.

Theo tính toán của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng về huy động nguồn lực đầu tư quỹ nhà tái định cư trên địa bàn TP, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 cần xây dựng thêm 30.000 căn hộ với tổng kinh phí 25.000 tỷ đồng.

Như vậy, theo đánh giá bước đầu giai đoạn 2020 cần khoảng 40.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2012, Hà Nội đã giao 8.300 tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản. Với quỹ nhà tái định cư đã đưa vào sử dụng, TP sẽ ưu tiên hoàn thành công trình hạ tầng đô thị ở những khu tái định cư còn thiếu; kiểm tra, chống xuống cấp tại các khu tái định cư.

Thực tế, trong thời gian qua, chất lượng nhà ở tái định cư còn thấp; việc quản lý, bảo trì còn nhiều hạn chế dẫn đến việc công trình nhanh chóng xuống cấp. Việc cung cấp các dịch vụ môi trường, phục vụ sinh hoạt, vui chơi, giải trí và học tập của cộng đồng dân cư ở nhiều khu còn rất thiếu, chưa được xây dựng đồng bộ về hạ tầng xã hội cũng gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân.

Tiếp tục hướng đi "xã hội hóa"

Trong những năm qua, TP đã thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư nhà tái định cư khoảng 15 dự án bao gồm như dự án A10, A14 Khu đô thị Nam Trung Yên, quỹ 20% Khu đô thị Nam Thăng Long, Khu chung cư di dân GPMB ao Hoàng Cầu (Đống Đa), Khu nhà tái định cư Phú Diễn (Từ Liêm), Khu tái định cư Đông Hội (Đông Anh)....

 Mới đây, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP đã tiến hành công tác giám sát kết quả thực hiện xây dựng khu đô thị theo quy hoạch tại Khu tái định cư Nam Trung Yên. Việc đầu tư khu tái định cư với quy mô lớn có quy hoạch đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đoàn giám sát đánh giá cao.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội, doanh nghiệp được TP cho phép kinh doanh dự án trên lô đất A10 để thực hiện đầu tư xây dựng công trình nhà tái định cư tại ô đất A14 với quy mô 1.642 căn hộ. Với phương thức xã hội hóa, ngân sách sẽ không phải bổ sung cho công trình nhà tái định cư trên ô đất trên.

 Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng cơ chế, chính sách cho mô hình mới trong đầu tư xây dựng nhà tái định cư cũng theo hướng xã hội hóa. Chủ đầu tư có năng lực có thể được lựa chọn theo hình thức đấu thầu hoặc chỉ định. Quỹ đất của dự án chủ yếu xây nhà tái định cư, còn lại một phần quỹ đất, nhà và phần diện tích thương mại của nhà tái định cư cho phép nhà đầu tư kinh doanh TP giới thiệu cho chủ đầu tư hoặc các quận huyện có nhu cầu tài định cư mua nhà theo kế hoạch TP.