Nhức nhối vấn nạn trẻ bị bỏ rơi

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ em là đối tượng cần phải được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ của cả gia đình và xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng bỏ rơi trẻ em có xu hướng gia tăng, là vấn đề vô cùng nhức nhối. Vậy đâu là nguyên nhân, giải pháp nào để chấm dứt tình trạng này?

Liên tiếp các vụ bỏ rơi trẻ sơ sinh

Mới đây, sáng 16/8, người dân phát hiện một cháu bé khoảng 2 ngày tuổi, nặng 3,5kg, bị bỏ rơi tại khe cột điện viễn thông ở xã Tiên Minh (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Kiểm tra kỹ, người dân và cơ quan chức năng không thấy có giấy tờ, tài sản hay đồ vật nào.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, trong lúc đi làm về, người dân tại xã Văn Phú, TP Yên Bái phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trên đồi keo, nên đã bế bé về bàn giao cho trạm y tế xã. Ngay lập tức, trạm y tế xã đã liên hệ Trung tâm Y tế TP Yên Bái và chuyển bé lên tuyến trên để đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho cháu bé. 

Bé gái bị bỏ rơi bên lề đường ở huyện Đức Hòa, Long An. Ảnh: Congan.com.vn

Trước đó, khoảng 2 giờ 30 sáng 27/6, người dân đi trên đường Hoàng Thị Loan (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nghe tiếng khóc của trẻ nhỏ bên vệ đường. Đến gần kiểm tra, mọi người phát hiện bé trai tầm 6 ngày tuổi, quấn trong chiếc khăn, được đặt trong thùng giấy bọc bao nylon phía ngoài. Thời điểm này, trên người bé bị nhiều vết côn trùng cắn. Ngay sau khi phát hiện sự việc, người dân cùng chính quyền địa phương đã đưa cháu bé đến trạm y tế thăm khám sức khỏe. Trạm Y tế phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã chuyển bé đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi để chăm sóc sức khỏe.

Ngày 7/6, người dân địa phương đi ngang qua cổng nhà bà Võ Thị Kiều Chinh (sinh năm 1970, xuất gia tu tại nhà ở xã Đức Lập Thượng (huyện Đức Hòa, Long An) nghe tiếng khóc của trẻ em. Khi đến gần, họ phát hiện một bé gái được bọc trong tấm khăn đang nằm khóc. Cháu bé được một phụ nữ ẵm vào nhà cho uống sữa và đem lên UBND xã trình báo. Bên cạnh bé gái có một túi xách nhỏ, bên trong có một hộp sữa, chai pha sữa, nhiều quần áo sơ sinh, tã lót kèm một mảnh thư viết tay: “Em không đủ khả năng và điều kiện nuôi con đến trưởng thành, trong lúc hoàn cảnh thật khó khăn. Em xin gửi cháu bé cho quý sư cô nuôi dạy giúp em. Em xin chân thành cám ơn”, bên dưới không ghi tên.

Hành động để trẻ không bị bỏ rơi

Tại Tọa đàm trực tuyến “Các vấn đề pháp lý về trẻ em bị bỏ rơi hiện nay” diễn ra mới đây, Phó Trưởng phòng Phòng Bảo vệ trẻ em (Cục Trẻ em, Bộ LĐ&TBXH) Đặng Thị Thu Hương thông tin, vấn đề trẻ em bị bỏ rơi không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà cả thế giới, và pháp luật quốc gia cũng như pháp luật thế giới đều có những quy định chặt chẽ, cụ thể để bảo vệ trẻ em bị bỏ rơi. Ở Việt Nam, vấn đề bỏ rơi trẻ em sơ sinh là vấn đề vô cùng nhức nhối.

Tọa đàm trực tuyến “Các vấn đề pháp lý về trẻ em bị bỏ rơi hiện nay”. Ảnh: Baophapluat

“Bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng với nơi xa xôi hẻo lánh rất khác nhau. Nếu một người mẹ bỏ đứa trẻ ở cổng chùa, nơi có nhiều người qua lại thì có thể người mẹ đó vẫn mong muốn đứa bé được sống. Nhưng có những người mẹ đem con bỏ trong rừng hay hố ga, khe nhà thì thật sự muốn tước đi quyền được sống của đứa trẻ đó” - PGS-TS Nguyễn Thị Lan (Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ.

Về giải pháp nhằm hạn chế vấn nạn này từ kinh nghiệm quốc tế, PGS-TS Nguyễn Hiền Phương (Đại học Luật Hà Nội) đã đưa ra một số giải pháp từ quốc tế đã làm như: Mỹ có CLB hỗ trợ bà mẹ và trẻ em sơ sinh của Đại học Harvard, kết nối để chăm sóc tư vấn hỗ trợ dạy dỗ để nuôi trẻ sơ sinh hay chương trình mô hình chăm sóc thay thế của Thụy Điển chia sẻ cho Việt Nam, tìm kiếm gia đình nuôi trẻ em bị bỏ rơi. Các nước Pháp, Ý, Thụy Điển có mô hình tài trợ nuôi trẻ bị bỏ rơi. Úc có mô hình “Nôi thiên thần”, nôi điện đảm bảo độ ấm và tiếng chuông, giúp đảm bảo sự sống của đứa trẻ...

Ngoài ra, các chuyên gia pháp luật cho rằng, cần phải tuyên truyền thông điệp tới những người trẻ và toàn xã hội “hãy nâng cao nhận thức và hành động để trẻ em không bị bỏ rơi dù trong bất kì hoàn cảnh nào”.

Theo quy định pháp luật, đối với hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt có thể xử phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ theo quy định của pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần