KTĐT - Từ quý 4/2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế tràn qua các châu lục, các quốc gia thắt chặt tiêu dùng, hạn chế nhập khẩu thì ngành dệt may Việt Nam đã cảm nhận ngay những khó khăn sẽ đến.
Quý I/2009, hàng loạt xí nghiệp may đóng cửa vì không có đơn hàng, công nhân bị nợ lương rồi thất nghiệp. Đây có lẽ là những hình ảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế mà người Việt nhìn thấy tận mắt. Trong bối cảnh đó, ngành dệt may đã có những quyết sách đúng đắn để vượt qua khó khăn và cán đích thành công: Năm 2009 toàn ngành xuất khẩu 9,2 tỷ USD sản phẩm, tăng hơn 2% so với năm 2008 và trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, vượt qua cả dầu thô. Từ thành công của ngành dệt may năm 2009 có thể rút ra nhiều bài học quý báu trong kinh doanh mà mỗi doanh nghiệp cần suy ngẫm.
Thứ nhất, kiên trì bám chắc thị trường truyền thống và tích cực tìm kiếm những thị trường ngách để thực hiện chiến lược “người không ta có”. Cuộc suy thoái kinh tế phủ bóng đen lên khắp châu lục khiến cho nhiều thị trường chủ chốt của dệt may Việt Nam bị giảm sút. Trong 10 tháng đầu năm tính ra thị trường Hoa Kỳ giảm tới 4,59%, thị trường EU giảm 4,36% mà 2 thị trường này chiếm tới 5,5 tỷ USD trong 7,4 tỷ USD kim ngạch dệt may nói chung. Tuy nhiên, nói EU không có nghĩa là mọi quốc gia đều giảm. Trong EU có thị trường vẫn nhập nhiều sản phẩm dệt may Việt Nam. Trong 10 tháng toàn EU giảm như đã nêu nhưng có những thị trường địa phương vẫn tăng như Italia tăng 1,17%, Tây Ban Nha tăng 23,5%. Hoặc ngay ở thị trường Hoa Kỳ giảm chung là như thế nhưng vẫn có những mặt hàng tăng... Vấn đề chính là nhiều doanh nghiệp bám sát thị trường truyền thống này đã phát hiện và tìm cách gia tăng thị phần ở từng mặt hàng cụ thể, từng là thị trường cụ thể.
Ngoài thị trường truyền thống, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn chú tâm tìm những thị trường ngách để thừa lúc các đối thủ chưa tìm đến thì mình đã có mặt như thị trường Châu Phi, Trung Phi, Đông Âu...
Thứ hai, gia tăng chủng loại sản phẩm xuất khẩu, ngoài sản phẩm dệt may còn chú trọng xuất khẩu cả các loại khăn bông, vải, và các nguyên phụ liệu khác. Các doanh nghiệp đã tìm các thị trường cho không chỉ sản phẩm mà cả nguyên phụ liệu. Ví dụ Việt Nam đã xuất cả vải, khăn bông, phụ liệu sang các Tiểu vương quốc Ả Rập, Ai Cập, Nam Phi, sợi sang Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty Hanosimex đã xuất khẩu tới 38% lượng sợi sản xuất được. Năm 2009 Việt Nam xuất sợi tăng 70% so với năm trước. Phải nói rằng sợi, vải và khăn bông Việt Nam đã đạt chất lượng cao nên rất được thị trường quốc tế chú ý, nhờ đó lượng xuất khẩu tăng. Trong đó đặc biệt khăn bông xuất khẩu đòi hỏi kỹ thuật rất cao và khăn bông Việt Nam đã vượt qua nhiều hàng rào kỹ thuật để vào được các thị trường khó tính. Hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu khăn bông vào thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Đây cũng là một thành công của dệt may Việt Nam.
Thứ ba, dệt may nước ta đã khai thác tốt cơ hội từ Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản. Theo đó, từ 1/10/2009, 90% mặt hàng xuất vào Nhật được hưởng thuế suất bằng 0%. Nhờ vận dụng hợp lý quy định doanh nghiêp sử dụng nguyên liệu vải từ các nước có hiệp định thương mại với Nhật được hưởng thuế suất 0% thay vì 5-10% trước đó nên chỉ trong 3 tháng cuối năm hàng dệt may vào Nhật tăng vọt. Tính ra cả năm hàng dệt may xuất sang Nhật tăng từ 23-25%. Đây là điều mà ít ngành hàng xuất khẩu Việt Nam khai thác được. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp dệt may có quan hệ làm ăn lâu dài với doanh nghiệp Nhật đã chớp thời cơ này tăng cường hơn quan hệ bạn hàng và xuất hàng vào Nhật. Ví dụ Dệt kim Đông Xuân, vốn có quan hệ hợp tác 20 năm qua với doanh nghiệp Nhật, năm nay đã ký thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong 10 năm nữa và đã xuất sang Nhật lượng hàng tăng gấp 2 lần năm trước.
Thứ tư, dệt may là ngành sớm chuyển hướng tìm về thị trường nội địa và xây dựng thành một định hướng chiến lược lâu dài. Nhờ vậy doanh thu từ thị trường nội địa của Tập đoàn Dệt may đã tăng 26% so với năm 2008. Nhiều doanh nghiệp dệt may cũng có doanh thu cao từ thị trường nội địa như: May Việt Tiến đạt trên 600 tỷ đồng, tăng 180 tỷ đồng so 2008; May Nhà Bè đạt gần 300 tỷ đồng, May 10 đạt trên 100 tỷ đồng…
Thứ năm, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới, dệt may Việt Nam chịu ảnh hưởng trên nhiều phương diện nhưng ngành đã sắp xếp lại lao động, đổi mới quy trình sản xuất theo hướng tinh gọn, hiệu qua, năng suất lao động Tập đoàn dệt may tăng 20-30%, đáp ứng được thời gian giao hàng, giảm chi phí đầu vào nên dù giá xuất khẩu giảm 15-17% do suy thoái nhưng tổng sản lượng xuất khẩu vẫn tăng 20-40%. Cuối năm, nhiều doanh nghiệp dệt may treo bảng tuyển lao động cho thấy sản xuất đã ổn định và phát triển.
Thứ sáu, ngành dệt may đã chú trọng xây dựng được nhiều thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường quốc tế. Nhiều thương hiệu được thế giới biết đến như May Việt Tiến, An Phước, Nhà Bè, May 10, Thăng Long, Sài Gòn… Hàng của Việt Tiến đã xuất sang nhiều quốc gia theo hệ thống đại lý bán hàng rất có uy tín.
Có thể tóm lại những bài học chiến lược thị trường, chiến lược sản phẩm của dệt may Việt Nam từ thành công của năm 2009 rất đáng để nhiều ngành sản xuất, doanh nghiệp nghiên cứu vận dụng trên thương trường.