Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những băn khoăn từ hôn nhân đồng giới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vừa qua, nhiều hoạt động ủng hộ hôn nhân đồng giới đã diễn ra, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học quanh chủ đề này cũng được tổ chức với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia khoa học.

Với những người đồng tính, song tính và chuyển giới (gọi tắt là LGBT), trả lời cho câu hỏi về mong muốn gì cho cuộc sống trong 10 năm tới, hầu hết họ đều mong rằng không còn bị kỳ thị, được kết hôn, xây dựng gia đình với người mình muốn.

Công khai danh phận đã là thử thách

Những câu chuyện về cuộc sống hôn nhân của người cùng giới thời gian qua liên tục được đưa ra. Ngoài những cái nhìn cảm thông, nhiều người vẫn chưa thể vượt qua sự kỳ thị xã hội và còn phải đối diện với nỗi khổ tâm, day dứt của cả gia đình.

Những băn khoăn từ hôn nhân đồng giới - Ảnh 1
 
Một đại diện đến từ cộng đồng LGBT trong cuộc hội thảo vừa qua đã chia sẻ: Anh có bạn đời là một doanh nhân rất thành công trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Mặc dù xã hội đã có nhiều thay đổi trong quan điểm, người đồng tính không phải cố gắng che giấu bản thân, tự tin bộc lộ mình hơn, nhưng anh vẫn chua xót với thực tế, có rất nhiều nước mắt đã rơi và sẽ còn tiếp tục rơi. Vẫn còn quá nhiều bi kịch trong các gia đình với mỗi sự thật về một người thân công khai giới tính thật. 

Một "báo cáo tổng quan" về cộng đồng 1,6 triệu người LGBT tại Việt Nam vừa được Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường công bố cho thấy, có tới 95% người đồng tính nam được hỏi nói rằng, đã từng nghe người khác nói người đồng tính là không bình thường; 20% đã bị mất bạn khi "để lộ" thân phận thật của mình... Trong khi đó, 92% trong số hơn 2.400 người đồng tính nữ được hỏi đã nói rằng muốn được pháp luật công nhận việc kết hôn đồng giới và 61% người đồng tính trong độ tuổi kết hôn muốn có con. Tuy nhiên, pháp luật hiện  vẫn chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới chứ chưa nói đến việc một gia đình mà có tới hai người "mẹ" hoặc cả hai đều là "cha" được quyền nhận con nuôi. 

Cặp đồng tính nữ Yến và Hương thẳng thắn chia sẻ, hiện hai người đang có một mái ấm hạnh phúc với cô con gái nhỏ. Nhưng cũng như bao cặp đôi đồng tính khác, cả hai luôn lo sợ về sự kỳ thị của xã hội đối với con mình, khi bé lớn lên và đi học. Nhưng bản thân Hương cũng thừa nhận rằng, ở ngay khu chung cư nơi hai người đang sống mọi người xung quanh chỉ biết được mối quan hệ của họ như những người chị em mà thôi. Vì điều đó  đảm bảo an toàn cho cả hai.

Lực cản lớn nhất là tâm lý

Việc có công nhận kết hôn đồng giới hay không vẫn là một vấn đề còn nhiều băn khoăn. TS Nguyễn Thu Nam, Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho rằng: Việc công nhận hôn nhân đồng giới không gây ra hệ quả nào đến phát triển dân số, tỷ lệ ly hôn… cũng như quan niệm về thể chế gia đình truyền thống và sự phát triển của trẻ. Việc công nhận hôn nhân đồng giới, ngược lại, mang đến nhiều kết quả tích cực với các cá nhân và xã hội. 

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cũng tán thành với nhận định, nhóm người đồng tính là một hiện thực trong xã hội, ở tất cả các quốc gia trên thế giới, vì chiếm tỷ lệ nhỏ nên trước đây chưa được chú ý. Ở nước ta, lực cản lớn nhất là về tình cảm, tâm lý chứ chưa phải vấn đề quy định pháp luật. Nếu giả định, pháp luật không thừa nhận, họ vẫn đến với nhau. Nếu pháp luật có công nhận vấn đề này, sẽ giải quyết được các hệ quả phát sinh như tranh chấp tài sản, quyền nuôi con, trách nhiệm với bố mẹ hai bên… 

Với nhận định việc công nhận hôn nhân đồng tính hay không vẫn còn chưa ngã ngũ nhưng quy định này vô hình chung đã loại bỏ "những người không phải nam hoặc nữ" ra khỏi phạm vi điều chỉnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng: Có thể trong tương lai gần pháp luật vẫn không công nhận hôn nhân đồng giới, trước mắt vẫn cần phải có những quy định mang tính bền vững. Còn theo đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh, việc đảm bảo quyền của LGBT cũng là đảm bảo quyền con người. Do đó, nên ban hành những văn bản quy phạm dưới luật để tuyên truyền cho người dân, xã hội có cái nhìn khác về người đồng tính để tạo đà cho những thay đổi ở mức cao hơn. Còn hầu hết những người LGBT mong muốn pháp luật công nhận hôn nhân cùng giới, cho phép họ chung sống công khai, được đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ trong mối quan hệ và đẩy lùi một cách cơ bản những định kiến, kỳ thị của xã hội.