Những bất cập cần điều chỉnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá ban đầu của Bộ GD&ĐT cũng như ghi nhận của dư luận xã hội, kỳ thi THPT quốc gia đã thành công. Thế nhưng, nhìn nhận một cách khách quan, kỳ thi này vẫn còn những bất cập cần điều chỉnh.

Giảm bớt công đoạn rườm rà

Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức một kỳ thi có hai mục đích, với sự phối hợp của các sở GD&ĐT, các trường ĐH được giao chủ trì cụm thi. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa phần mềm quản lý thi vào ứng dụng và đã mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, kỳ thi này diễn ra vào đúng những ngày nắng nóng lên tới hơn 400C ở ngoài trời - đợt nắng nóng nhất từ đầu năm đến nay.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 tại điểm thi Đại học Giao thông Vận tải.         Ảnh: Phạm Hùng
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 tại điểm thi Đại học Giao thông Vận tải. Ảnh: Phạm Hùng
Đã có người đặt câu hỏi tại sao năm nay chỉ còn một kỳ thi, Bộ GD&ĐT lại tổ chức vào tháng 7, mà không phải tháng 6 để tạo thuận lợi cho các trường ĐH trong việc chấm thi? Có phải Bộ GD&ĐT “né” Kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 6, để không bị các đại biểu chất vấn? Các trường ĐH chỉ có vẻn vẹn 2 tuần (từ 5/7 đến 20/7) làm công việc rọc phách, chấm trắc nghiệm với lượng bài thi tự luận lớn, hoàn hiện báo cáo gửi Bộ, liệu chất lượng chấm bài có bảo đảm? Hơn nữa, thời gian thi môn tự luận diễn ra vào buổi sáng dài, nhưng lại bố trí thời điểm làm bài muộn (8 giờ bắt đầu làm, 11 giờ kết thúc), nên sau khi thu bài, kiểm tra và niêm phong nộp cho hội đồng thi, những người làm thi chỉ có ít phút để ăn trưa. Thí sinh (TS) cũng không có nhiều thời gian nghỉ và xem lại bài môn thi sau. Việc này diễn ra trong 4 ngày liền, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người, nhất là trong thời tiết vô cùng oi bức. Bởi thế, một số lãnh đạo trường ĐH chủ trì cụm thi đề nghị Bộ đẩy thời gian làm bài buổi sáng lên lúc 7 giờ 30.

Với 8 môn thi được tổ chức trong 4 ngày cộng với ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi là 5 ngày. Nhưng hai môn thi cuối, lượng TS đăng ký và tham gia thi chiếm tỷ lệ rất ít, nhưng các cụm thi vẫn phải tổ chức như bình thường, có điểm chỉ có một phòng thi với một TS. Để đỡ lãng phí tiền cũng như nguồn nhân lực, nhiều chuyên gia đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét gộp môn thi có ít TS vào các buổi thi trước để giảm bớt ngày thi. 

Trong kỳ thi này, có sự phối hợp rất tốt giữa các trường ĐH chủ trì cụm thi với các Sở GD&ĐT, tuy nhiên, vẫn có sự không khớp giữa cập nhật số liệu thay đổi thông tin của TS. PGS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn có sự thông suốt giữa số liệu từ các Sở GD&ĐT và các trường. “Chúng ta chưa thể cầu toàn được vì tổ chức lần đầu. Sau này, chúng ta có phần mềm quản lý thuận lợi hơn, chẳng hạn một em thay đổi thông tin ở sở thì thông tin ấy hiện ngay lên phần mềm quản lý dữ liệu ở trường. Vừa rồi thông tin giữa các sở và các trường kết nối rất chặt chẽ nhưng chưa thật kịp thời” - ông Minh cho biết.

Sẽ xem xét

Về đề nghị gộp những môn thi có tỷ lệ TS tham gia ít, để rút ngắn ngày thi, GS.TS Trịnh Minh Thụ - Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cho rằng làm như thế không tăng được cơ hội cho TS. Ví dụ cùng một lúc các em muốn thi môn Lịch Sử và môn Sinh học, nếu dồn buổi thi, các em lại không có cơ hội lựa chọn môn Sinh buổi chiều. “Theo tôi, Bộ thiết kế 4 ngày thi với số môn như thế này không có vấn đề gì. Về kỹ thuật vẫn có thể đáp ứng được, điều quan trọng là tạo điều kiện thuận lợi nhất, đồng thời tăng nhiều cơ hội nhất cho TS” - GS Trịnh Minh Thụ cho biết.

Phản hồi về việc ghép các môn thi, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng: “Việc này không mới, bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã ghép những môn trắc nghiệm. Nhưng môn thi có thời gian ngắn thì ghép được, còn thời gian dài sẽ khổ TS. Sáng kiến này chúng tôi sẽ tính toán và cân nhắc thêm”. Còn việc tại sao lại tổ chức thi vào tháng 7, được giải thích rằng “nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta”. Ví dụ, thời tiết năm nay thất thường, bốn chục năm trở lại đây mới xảy ra đợt nắng nóng thế này. Đầu tiên, Bộ GD&ĐT chọn ngày 15/6, nhưng các trường ĐH chưa kết thúc năm học, sinh viên chưa thi, ký túc xá chưa “giải phóng”. Mà 72% TS vừa dự thi tốt nghiệp vừa thi ĐH, thi tại các cụm thi ĐH cho nên phải “giải phóng” giảng đường và ký túc xá. Mặt khác, phần lớn TS thi ĐH lo lắng nếu tổ chức thi ngày 15/6 sẽ bị hụt 2 tuần ôn thi so với mọi năm. Trên cơ sở căn cứ vào các yếu tố trên, cộng với ý kiến của các trường ĐH, Bộ đã quyết định tổ chức kỳ thi vào tháng 7. “Về thay đổi lịch thi, sau kỳ thi này Bộ sẽ cùng địa phương và Sở GD&ĐT bàn tính nhiều việc để rút kinh nghiệm” – ông Trinh khẳng định.

Ngoài những đề xuất trên, cũng có những ý kiến đề nghị Bộ giảm bớt các thủ tục hành chính, các kỹ thuật nhỏ, để công tác tổ chức thi THPT quốc gia sang năm tới được thuận lợi hơn và mang lại hiệu quả cao hơn.