Báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô, triển vọng thị trường Việt Nam được Ngân hàng HSBC công bố mới đây nhận định: XK của Việt Nam năm 2014 sẽ đạt khoảng 151 tỷ USD. Tuy nhiên, trong khi với nhiều thị trường thì Việt Nam xuất siêu lớn thì nhập siêu từ thị trường Trung Quốc vẫn tăng cao.
Trong số hàng Việt Nam nhập khẩu (NK) từ thị trường Trung Quốc hơn 10 tháng qua có 42 mặt hàng đạt từ 10 triệu USD trở lên, trong đó 32 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD (đặc biệt 7 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; vải; sản phẩm điện tử; nguyên phụ liệu dệt may da giày...). Có thể thấy, các mặt hàng XK của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chủ yếu vẫn là nông sản, nguyên liệu thô… Trong khi đó, nhiều nhóm mặt hàng NK lớn hơn XK rất nhiều. Thậm chí, một số mặt hàng trước đây Việt Nam chỉ XK sang thị trường Trung Quốc, thì nay lại NK từ thị trường này, như sản phẩm cao su; than đá…
Ở chiều ngược lại, mặt hàng NK của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc phần lớn là máy móc, thiết bị, hàng công nghiệp, nguyên phụ liệu. Riêng về máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, NK từ thị trường Trung Quốc chiếm tới 35,2% tổng kim ngạch NK máy móc, thiết bị của Việt Nam. Trong số này, có một lượng không nhỏ được NK đi theo các công trình mà DN Trung Quốc thắng thầu hoặc các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của họ. Tuy giá rẻ, nhưng nếu ham rẻ thì về lâu dài, hàng hóa Việt Nam sản xuất sẽ không chỉ "thua trên sân người" khi XK các sản phẩm cùng loại với Trung Quốc, mà còn "thua trên sân nhà" với hàng NK từ Trung Quốc.
Việt Nam sẽ gia nhập TPP, nên Trung Quốc đang tích cực đưa các dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam để được hưởng thuế suất thấp (cũng là một cách XK giùm). Đó là những cảnh báo cần thiết.