Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những chuyến xe chở thông điệp an toàn giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, Thủ đô Hà Nội luôn phải đối mặt với ùn tắc và TNGT. Tình trạng này không chỉ khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, mất an toàn, mà còn khiến các cơ quan quản lý Nhà nước phải "đau đầu" tìm các biện pháp tháo gỡ.

Bên cạnh những bất cập do hạ tầng giao thông, nguyên nhân sâu xa dẫn đến ùn tắc và TNGT là do ý thức của người tham gia giao thông. Cải thiện điều này luôn được xem là giải pháp mấu chốt và mang ý nghĩa lâu dài.

Tuyên truyền trên xe buýt

Nghiên cứu thực tế cho thấy, tuyên truyền giáo dục ATGT được coi là giải pháp mang tính bền vững. Khi ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao, những vi phạm cũng như TNGT sẽ được giảm thiểu đáng kể. Câu hỏi đặt ra là nên tuyên truyền, giáo dục bằng hình thức nào để đem lại hiệu quả cao nhất? Trong nhiều năm qua, việc giáo dục và tuyên tuyền ATGT đã được tiến hành thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Sử dụng băng rôn, áp phích, khẩu hiệu; xây dựng các chương trình về ATGT và phát trên truyền hình, qua sóng radio… Tuy nhiên, một hình thức tuyên truyền hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả nhưng chưa được quan tâm đó là tuyên truyền thông qua xe buýt.

 
Tuyên truyền về an toàn giao thông trên xe buýt sẽ góp phần giảm tải ùn tắc, tai nạn giao thông.  Ảnh: Quỳnh Anh
Tuyên truyền về an toàn giao thông trên xe buýt sẽ góp phần giảm tải ùn tắc, tai nạn giao thông. Ảnh: Quỳnh Anh

Nói đến giao thông Hà Nội không thể không đề cập đến xe buýt. Phương tiện này đã và đang hoạt động rất tích cực trong nhiều năm qua. Hiện nay, toàn TP có trên 70 tuyến buýt với hàng ngàn xe hoạt động đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Xe buýt hoạt động trong khoảng từ 5 giờ sáng đến 22 giờ đêm, trung bình 10 - 15 phút/chuyến. Như vậy có thể thấy, số lượng xe buýt đang chạy hàng ngày và số lượng các điểm chờ rất lớn.

Thân xe buýt dài và rộng, trừ các ô kính cửa sổ ra thì phần mình xe còn rất nhiều diện tích có thể gắn các áp - phích và tranh cổ động về ATGT. Có thể sử dụng các miếng giấy dán tạm thời, cũng có thể phun sơn in trực tiếp lên thân xe lâu dài. Với một số lượng xe buýt khổng lồ đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội như hiện nay, số áp - phích, tranh cổ động cũng như những lời tuyên truyền, thông điệp về giao thông được truyền tải tới mọi người rất lớn. Bên cạnh đó, phạm vi hoạt động của xe buýt rộng có mặt ở khắp các con đường, tuyến phố của TP. Những thông điệp giao thông vì thế sẽ được truyền tải rộng rãi tới không chỉ những người đi xe buýt mà cả những người đi xung quanh, thậm chí cả những người đang ngồi ở nhà.

Cần một chính sách hợp lý

Việc gắn áp - phích, tranh cổ động vào thân các xe buýt không quá phức tạp và tốn nhiều kinh phí. Thực tế, các nhà kinh doanh, các hãng sản xuất đã và đang vận dụng rất hiệu quả cách làm này để quảng bá thương hiệu cho sản phẩm của họ. Không khó để bắt gặp những chiếc xe buýt sặc sỡ với quảng cáo bánh kẹo, nước giải khát, văn phòng phẩm,... lưu thông hàng ngày trên các tuyến đường. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, nhà quản lý nên nghiêm túc tính toán, đánh giá tới hiệu quả cũng như tính khả thi của việc nhân rộng cách làm này với mục tiêu truyền tải sâu rộng những thông điệp ATGT đến từng người, từng nhà trên từng con đường, tuyến phố thông qua hệ thống giao thông công cộng.

Để thực hiện được điều này rất cần có sự ủng hộ của các cơ quan quản lý và đặc biệt là Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, cũng như các đơn vị tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt. Thực tế, việc thay thế quảng cáo bằng áp - phích, tranh cổ động sẽ tác động trực tiếp tới lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Đây là vấn đề cần tính toán cẩn trọng bởi sẽ tác động rất lớn tới nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng tới vốn đầu tư phục vụ việc phát triển hệ thống giao thông công cộng trong dài hạn. Chính vì vậy, để các doanh nghiệp vận tải chung tay trong công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn TP, Nhà nước cũng cần có những chính sách hợp lý để hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng, với mục tiêu dài hạn là tận dụng hiệu quả nguồn lực hiện có phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô. Vì an toàn của người tham gia giao thông và hạnh phúc của mỗi gia đình.