Những cơn địa chấn với kinh tế thế giới năm 2016

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016 chứng kiến sự biến động mạnh của các thị trường thế giới do tác động từ những sự kiện địa chính trị lớn.

Điều này cho thấy biến động kinh tế quốc tế chưa bao giờ tách khỏi những ngọn sóng trên chính trường thế giới.

 Đa số cử tri Anh đã quyết định bỏ phiếu rời khỏi EU

Trong năm 2016, đồng bảng Anh đã trải qua 2 lần mất giá lớn, điều hiếm gặp đối với một đồng tiền mạnh. Ngay sau khi Anh công bố kết quả cuộc trưng cầu ý dân cho thấy người dân nước này bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) còn gọi là Brexit hôm 24/6, đồng bảng Anh đã xuống mức thấp nhất trong 31 năm, còn 1,3224 USD/bảng. Trong 3 tháng sau đó, đồng bảng Anh dao động quanh mức 1,28 - 1,33 USD/bảng. Lần thứ hai là vào phiên giao dịch tại thị trường châu Á ngày 7/10, ngay sau khi Thủ tướng Theresa May tuyên bố sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon trước cuối tháng 3/2017, đánh dấu bước khởi đầu cho tiến trình Brexit. Điều này cho thấy sự bất an của giới đầu tư đối với tương lai của nước Anh khi đứng ngoài EU.

 Thủ tướng Italia Matteo Renzi từ chức ngay sau cuộc trưng cầu dân ý về cải cách chính quyền có kết quả.

Một đồng tiền mạnh khác là Euro cũng sụt giá mạnh so với đồng USD sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/12 về cải cách ở Italia thất bại. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý là một đòn mạnh đánh vào lòng tin của các nhà đầu tư và buộc Thủ tướng Matteo Renzi phải từ chức. Dù một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện ở Italia chưa xảy ra, nhưng kết quả bỏ phiếu vẫn ảnh hưởng đến triển vọng nền kinh tế lớn thứ 3 Eurozone, qua đó tác động đến triển vọng tổng thể của cả châu Âu. Một lần nữa, Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) phải đứng ra bao bọc cho mắt xích này. Chương trình nới lỏng định lượng của ECB hôm 8/12 đã được gia tăng thời hạn, được coi là lá chắn hữu hiệu, có thể ngăn chặn tình trạng bán tháo các khoản nợ của Italia.

 Tỷ phú Donald Trump đã đắc cử Tổng thống Mỹ, với những quyết sách kinh tế được cho là sẽ khác biệt và trái ngược với chính quyền ông Obama.

Bên cạnh đó, chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng đã tác động không nhỏ tới thị trường thế giới. Sau những lo lắng, nghi ngại các chính sách tương lai của Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại và gây thiệt hại về kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư đã tin rằng, những chính sách thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời chủ trương nới lỏng các quy định kinh doanh của ông Trump cũng sẽ hỗ trợ nhiều ngành như ngân hàng hay y tế. Đến ngày 9/11, chỉ số S&P 500 đã tăng 1,1%, khởi đầu cho chuỗi ngày tăng giá và liên tục thiết lập các kỷ lục mới của thị trường chứng khoán Mỹ.

Giá dầu, bài toán khó trong năm 2015 đã có lời giải trong năm 2016. Lần đầu tiên sau 8 năm, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hôm 30/11 đã đạt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày, giảm 1,2 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận minh chứng cho nỗ lực dàn xếp khác biệt của OPEC đặc biệt là 2 "ông lớn" dầu mỏ là Ả Rập Saudi và Iran. Theo đó, việc Nga quay đầu ủng hộ thỏa thuận "đóng băng" sản lượng cũng là một tín hiệu mới cho thấy cuộc chiến cạnh tranh thị trường dầu năm 2015 đã hạ nhiệt trong năm 2016, tạo điều kiện cho giá dầu khởi sắc. Năm 2016 cũng chứng kiến đợt tăng lãi suất của FED thêm 0,25 điểm phần trăm. Động thái tăng lãi suất của FED vào những ngày cuối năm 2016, viễn cảnh trong năm tới có thể là dòng vốn nóng sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển chảy ngược về Mỹ, trong khi đồng tiền các nước đang phát triển phải chịu áp lực phá giá lớn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần