Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những con đường…

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những con đường ngoại ô bình dị, nội đô sầm uất. Ngày cũng như đêm chảy như mạch máu về tim. Trái tim Sài Gòn - thành phố trẻ.

Ai đã đến Củ Chi, đặt chân trên những con đường rợp mát bóng tầm vông. Tầm vông xưa - gậy tầm vông vạt nhọn, gắn với bao chiến công hiển hách của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Tầm vông nay êm ả hiền hòa xanh xanh ngắt bên những mái nhà ngói đỏ, bên những cánh đồng vàng ươm sắc lúa, lấp đầy dấu tích bom đạn một thời trên một vùng đất từng được mệnh danh đất thép.

Ai đã sang Bà Điểm nghe chuyện trầu cau. Chuyện kể rằng: Ngày ấy, vùng " Gò Nổng" (Bà Điểm - Hóc Môn) đã sớm in dấu chân của cha ông ta trong cuộc trường chinh đi mở cõi. Trên con đường thiên lý vào Nam, dây trầu, quả cau trong hành trang của những người đi khai phá là biểu trưng cho sự thủy chung thương nhớ chốn quê nhà, mà mỗi bước chân là mỗi lúc một mờ xa…

Đến vùng đất mới, đất đai tốt tươi thổ nhưỡng thích hợp nên "sợi nhớ sợi thương" của những người xa xứ có điều kiện đâm chồi nảy lộc. Tạo lập nên một "Thập bát phù viên" (mười tám thôn vườn trầu) cực kỳ trù phú ngay trên mảnh đất hoang dã năm nào.

Vật đổi sao dời, những cung đường vô Sài Gòn nay đã thênh thang ngập tràn xe cộ. Song, trên những nẻo đường Bà Điểm - Hóc Môn thi thoảng ta vẫn có thể bắt gặp đây đó hình ảnh chiếc xe thổ mộ với người xà ích già, con ngựa già… lóc cóc…  lóc cóc… như trong chuyện cổ tích bước ra. Ôi chao! "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, trầu cau một thuở bấy nhiêu tình"…Những con đường nội đô cũ nay đã trở nên quá chật chội với một thành phố mười triệu dân. Suốt ngày tấp nập ồn ào. Chỉ về đêm, những con đường, những hàng cây như mới được trút đi gánh nặng. 

Khuya… Thinh không tĩnh lặng. Dưới ánh đèn leo lét, chỉ nghe xào xạc tiếng chổi tre. Với người Sài Gòn, tiếng chổi đêm đã làm nên hồn phố. Hơn mười năm có lẻ, chị công nhân môi trường kia đã gắn bó với một con đường, con đường có lá me bay. Không đơn thuần chỉ là một công việc mưu sinh kiếm sống, đêm đêm, một mình một bóng chị với con đường với những hàng me như những người bạn tri âm tri kỷ. Tiếng chổi tre xào xạc… ngọn gió nhẹ… hàng cây rì rào… Nghe sâu thẳm như gởi gấm, như trao nhau bao lời chia sẻ.

Những con đường mới ra đời, Đại Lộ Đông Tây như một dải lụa mượt mà vắt ngang thành phố nối vựa lúa miền Tây với miền Đông, miền Trung, miền Bắc. Tạo tiền đề cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè một trọng điểm trong dự án vệ sinh môi trường nước của thành phố đã thành công. Hơn thế nữa hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa hiện ngay trên nền những dãy nhà ổ chuột năm xưa cũng cùng lúc hoàn thành. Hai con đường mang tên hai quần đảo thiêng liêng của đất nước như hai cánh tay ôm ấp đôi bờ tạo nên một cảnh quan thật giàu ý nghĩa.

Lần lượt các con kênh khác như: kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, Bến Bình Đông… nước cũng đã trong xanh trở lại. Mỗi sáng, mỗi chiều nhìn người dân thư giãn buông cần thả câu giữa nội thành lòng bỗng thấy rưng rưng… bao tiền của, bao công sức của người dân thành phố đã đổ xuống đây suốt mấy chục năm ròng để đổi đời những dòng kênh nước đen nhức nhối. Rồi đây, những tuyến đường thủy sẽ ra đời, từ thành phố tỏa đi các tỉnh và chiều ngược lại…

Phải chăng, giữa thời hiện đại sẽ lại có một Sài Gòn trên bến dưới thuyền như buổi sơ khai?