Sau 70 năm, từ Quốc dân đại hội, rồi Nghị viện Nhân dân, đến Quốc hội, trải qua các giai đoạn lịch sử, 13 nhiệm kỳ Quốc hội là quá trình liên tục kế thừa, không ngừng đổi mới về tổ chức và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình được Hiến pháp và pháp luật quy định, đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Mốc son đầu tiên về thể chế dân chủ
Đại hội đại biểu quốc dân – hay còn gọi là Quốc dân đại hội Tân Trào, diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/8/1945 tại đình Tân Trào, thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là Đại hội mang ý nghĩa và tầm vóc lịch sử to lớn, trọng đại của đất nước, Đại hội đã bầu ra cơ quan quyền lực Nhà nước lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời (2/9/1945), trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Với tinh thần ấy, trong lúc vận nước ngàn cân treo sợi tóc, Chính phủ đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 6/1/1946, trên khắp cả nước, 89% cử tri đã đi bỏ phiếu và bầu được 333 đại biểu. Đây thực sự là “Ngày hội lớn của dân tộc”. ĐB Quốc hội Khóa I Nguyễn Văn Trân kể lại: "Đó là ngày không ai có thể quên được, dù muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, nhưng toàn thể Nhân dân khắp mọi miền đất nước không phân biệt giai cấp, đảng phái từ 18 tuổi trở lên đều nô nức tham gia cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội Khóa I".
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946 thắng lợi đã chứng minh sức mạnh của dân tộc Việt Nam, là một mốc son chói lọi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước ta, mở ra một thời kỳ phát triển mới về thể chế chính trị ở Việt Nam. Chính những người nông dân, công nhân, trí thức thuộc mọi tầng lớp, lần đầu tiên được tự tay bầu ra 333 người tài, đức trên cả nước, hình thành nên một cơ quan đại diện lớn nhất của dân tộc, gồm tất cả các thành phần, giai cấp trong xã hội - Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Quốc hội đã họp phiên đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa I vào ngày 2/3/1946. Theo sử gia, ĐB Quốc hội Dương Trung Quốc, nội dung quan trọng nhất của Kỳ họp thứ nhất là dàn xếp được sự hợp tác với các phần tử của các tổ chức như Việt Quốc, Việt Cách... nhằm thực hiện một khối thống nhất rộng rãi.
Quốc hội Việt Nam Khóa I kéo dài 16 năm, từ tháng 1/1946 đến tháng 5/1960, đã thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam của Nhà nước Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua hai bản Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong đó có bản Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam. Trong giai đoạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh là đại biểu Quốc hội của đoàn Hà Nội.
Dưới góc độ của chuyên gia sử học, ĐB Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết: Kỳ họp thứ 2, khai mạc ngày 23/10 và kéo dài cho đến 9/11/1946, với chương trình nghị sự quan trọng nhất là thông qua được bản Hiến pháp đầu tiên, Bộ Luật Lao động, nội quy và thông qua các báo cáo, trong đó có đề nghị của đại biểu tỉnh Rạch Giá Nguyễn Văn Tạo thay mặt các ĐB Nam bộ đề nghị, suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Người công dân số 1” của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đề nghị này được mọi người tán đồng nhiệt liệt. Ngay trong Kỳ họp thứ 2, không khí sôi nổi hơn cả khi các ĐB chất vấn và các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. “Ngót 70 năm sau, đọc lại tường thuật phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội mới thấy giá trị của cái nền móng truyền thống của thế hệ những người gây dựng nền Cộng hòa Dân chủ quý giá đến dường nào. Cho dù Quốc hội và thể chế dân chủ của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng có những giá trị mà đến nay ta còn phải phấn đấu nhiều mới nối gót được người xưa” - ĐB Dương Trung Quốc chia sẻ tại hội thảo “70 năm Quốc hội Việt Nam hình thành và phát triển” vừa qua.
Dấu ấn đổi mới không ngừng
Nhận xét về quá trình phát triển của Quốc hội trong 70 năm qua, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho rằng, thành công rất lớn của Quốc hội đến lúc này đó là Quốc hội đã thể chế hóa tương đối trọn vẹn, đầy đủ và chính xác quan điểm của Đảng ta để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCH và xây dựng nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, hội nhập sâu rộng với quốc tế. “Việc cho ra đời 5 bản Hiến pháp ứng với 4 giai đoạn phát triển của đất nước là phù hợp và tất yếu. Trên cơ sở của Hiến pháp, cách thức làm luật, thông qua luật của Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất ngày càng có tốc độ và chất lượng tốt hơn. Chức năng giám sát cũng tiếp tục hoàn thiện khá nhanh về cơ chế. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng tốt lên từng ngày” - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhận xét.
Như lời Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, khi nhìn về quá trình phát triển của Quốc hội: 70 năm qua cũng là 70 năm Quốc hội đồng hành cùng Đảng và các thiết chế khác của hệ thống chính trị trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng hiệu quả và thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn đổi mới và phát triển của đất nước. Các nghị quyết của Quốc hội được ban hành trong những thời khắc quan trọng của đất nước như Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1986 - 1990 đã mở đường cho đường lối phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới; Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1991 làm yên lòng dân trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều xáo trộn, phức tạp, duy trì đường lối đổi mới, chuyển sang cơ chế thị trường, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế…
Đặc biệt nhấn mạnh đến sự đổi mới trong vòng 10 năm trở lại (2005 - 2015) của Quốc hội, PGS.TS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định: Hoạt động lập pháp của Quốc hội được thực hiện một cách sôi nổi, mạnh mẽ, quyết liệt với quyết tâm nâng cao chất lượng các dự án luật được thông qua, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nhất là phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, khoa học công nghệ; bảo vệ môi trường và tài nguyên, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội…
70 năm, Quốc hội Việt Nam đã trải qua những chặng đường, cột mốc phát triển, dấu ấn đổi mới của Quốc hội gắn với sự đổi mới chung của đất nước. Nhiều người vẫn hay nhắc đến ĐB Đào Thị Biểu (bà Sáu Trầu) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa VII (1985) đã có một bài phát biểu đặt thẳng vấn đề trách nhiệm của Chính phủ khi triển khai quyết sách giá - lương - tiền với nhiều bất cập, và bà được gọi là “người mở ra kỷ nguyên nói thẳng và nói thật” ở Quốc hội. Hay Quốc hội Khóa VIII, sau những lần tranh luận khá căng thẳng đã thông qua Hiến pháp 1992, trong đó lần đầu tiên đưa vào những quan điểm mới về kinh tế nhiều thành phần, sở hữu tư nhân, giao đất ổn định lâu dài cho nông dân, tổ chức bộ máy Nhà nước. Năm 1999, Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp, một điểm sáng trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam. Đến Khóa XI, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện được quyền phân bổ ngân sách của mình. Đặc biệt, đến Kỳ họp giữa năm 1994, Quốc hội Khóa IX, đánh dấu một trong những bước đột phá trong việc công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội là lần đầu tiên phát thanh và truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tiếp đến Quốc hội Khóa X, đánh dấu thêm một “dấu ấn” khác trong hoạt động chất vấn là sau khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn thì Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến…
Quốc hội Việt Nam đã trải gần 13 nhiệm kỳ hoạt động. Dù ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng Quốc hội luôn có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước, của Nhân dân... Quốc hội Việt Nam - cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất - ngày càng thực hiện tốt hơn, chất lượng và hiệu quả hơn 3 chức năng cơ bản là: Lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...
Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội Khóa I ngày 6/1/1946. (Ảnh: Tư liệu)
|
Kể từ Quốc hội Khóa I cho đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (chưa kể các bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung), 387 Bộ luật, luật, ban hành 628 nghị quyết và 220 pháp lệnh. Đây là những con số rất ấn tượng, là cơ sở chính trị pháp lý quan trọng, thể hiện trí tuệ, sự tận tụy và tinh thần trách nhiệm cao của những nhà lập pháp, phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. |