Múa lân
Sau Tết, những đoàn múa lân thường rất "ăn nên làm ra" khi nhiều người, nhiều nhà thích rước đội đến để múa khai trương hoặc chúc Tết. Mỗi đội lân nhỏ thường gồm khoảng 10-12 người (có cả người lớn lẫn nhỏ). Còn đội lân lớn hơn có thể lên đến 18 hoặc 20 người.
Giá trả cho đội lân cũng đa dạng, nếu người thuê là doanh nghiệp làm ăn lớn thì mỗi lần múa khai trương, đội lân có thể được trả số tiền lên đến 10 hoặc 15 triệu đồng. "Đó là chưa kể tiền lì xì, tiền thưởng thêm nếu lân múa đẹp và chúc phúc hay", anh Nam giám đốc một công ty sản xuất ngành nhựa tại quận Bình Tân cho biết khi hôm mùng 6 Tết vừa rồi anh mời đội lân đến múa khai trương.
Ngoài các đoàn múa lân chuyên nghiệp, nhiều bạn trẻ không chuyên cũng tự tập hợp thành một nhóm lân quy mô nhỏ để vào từng nhà múa chúc năm mới. Nhiều gia chủ hoặc người xem thấy hay cũng thường cho khá nhiều tiền. "Có ngày may mắn, thu nhập của nhóm cũng được tầm chục triệu đồng, còn ít thì cũng đôi ba triệu đồng", Tuấn, một thành viên của đội lân dạo cho biết.
Dịch vụ trông giữ, chăm sóc cây cảnh
Sau dịp Tết, dịch vụ trông giữ, chăm sóc cây cảnh như đào, mai, quất... lại rầm rộ vào mùa. Nhiều gia đình thích chơi cây cảnh đắt tiền trị giá vài triệu đến vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng vào mỗi dịp Tết nhưng sau đó lại không biết cách chăm sóc. Nhờ đó, dịch vụ nhận chăm sóc cây cảnh đã trở thành một nghề mang lại khoản thu nhập không nhỏ cho nhiều người.
Ông Thắng, chủ dịch vụ chăm sóc cây cảnh tại quận Thủ Đức, TP HCM cho biết, sau Tết, một số gia đình nếu có mặt bằng thì họ đặt cây cảnh ở nhà rồi thuê người bên ông đến chăm sóc. Theo đó, tuỳ từng loại cảnh và yêu cầu của gia chủ mà giá tiền được tính theo từng đợt đến chăm sóc.
Trường hợp khách không có chỗ để cây cảnh thì cơ sở bên ông sẽ nhận chở về vườn chăm sóc. Phí chăm sóc trọn gói cũng được dựa trên từng giá trị của cây cảnh. "Chẳng hạn, nếu cây cảnh của khách có giá là 5 triệu đồng thì tiền phí chăm sóc trong năm tầm 1,5 triệu đồng. Còn nếu giá trị cây càng cao, phí chăm sóc cứ thế mà nhân lên", ông nói và cho biết, mới hai ba ngày nay, vườn ông đã nhận hàng chục gốc mai, quất của khách.
Bán vé số đầu năm
Người Sài Gòn thường hay có thói quen mua số cầu may dịp đầu Xuân. Do đó, các đại lý hay người bán vé số dạo nhờ vậy cũng đắt khách hơn trong những ngày này.
Anh Hào, chủ một đại lý vé số trên đường Âu Cơ, quận 11 cho biết, mấy ngày đầu năm mới Đinh Dậu, có người một lúc bỏ ra cả triệu cho đến 5 hoặc 7 triệu đồng để mua số lấy may. "Doanh số trong mấy ngày này có thể tăng khoảng 30% so với ngày thường”, anh nói và cho biết, người mua thuộc nhiều đối tượng, từ người dân lao động đến các chủ doanh nghiệp.
Chị Lan, một người bán vé số dạo quanh khu vực Đầm Sen cũng chia sẻ, ngày thường chị bán cả ngày chỉ được tầm một triệu doanh thu (tức 100 tờ vé số và lời khoảng 110.000 đồng) thì trong những ngày đầu xuân Đinh Dậu này, chị bán số lượng tăng gấp đôi, gấp ba. "Nếu chịu khó đi bán ban đêm (với những tấm vé số xổ vào ngày hôm sau) thì có khi cũng kiếm được tầm 400.000 đồng mỗi ngày", chị nói.